22 August, 2009

Krzysztof Łoziński: Những gì đang xảy ra ở Việt Nam nói chung không có gì mới

Ông Krzysztof Łoziński, nhà hoạt động đối lập thời Ba Lan cộng sản

Về kinh nghiệm trong các „vụ đầu hàng”, Tôn Vân Anh trao đổi với ông Krzysztof Łoziński, kí giả, nhà giáo, hoạt động đối lập tại Ba Lan liên tục từ năm 1968 tới khi Ba Lan kết thúc thể chế cộng sản vào năm 1989. Nhiều lần bị bắt, bị trù dập, từng bị nhà cầm quyền cộng sản Ba Lanbỏ tù. Ông là tác giả cuốn sách mang tên Państwo Środka (Quốc gia của Trung điểm) nghiên cứu về Trung Quốc, ông cũng là nhân chứng của vụ thảm sát Thiên An Môn. Hiện ông là nhà báo tự do, sáng lập viên Hội Nhà báo Internet của Ba Lan. Ông liên tục tham gia các hoạt động ủng hộ cho cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan, đặc biệt ưu ái với các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam tại nước này.

Tôn Vân Anh: Chỉ trong vòng 2 tháng, chúng tôi được chứng kiến trên đài truyền hình Việt Nam nhiều màn diễn với các nhân vật tích cực hoạt động dân chủ được nhiều người biết tới (Võ Tấn Huân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim). Họ ở những độ tuổi khác nhau, người thì đọc lời viết sẵn trên giấy, người thì nói như thuộc lòng. Những đoạn video cho thấy cảnh họ thừa nhận „hành vi phạm tội” và xin khoan hồng. Các diễn đàn trên mạng nổ tung bởi các bình luận, người thì thất vọng, người thì nghi ngờ. Xin ông cho biết ở thời Ba Lan cộng sản có xảy ra những vụ việc tương tự không, thưa ông?

Krzysztof Łoziński: Có.Thời thiết quân luật mới thành hình (1981) và trước đó cũng có. Một số nhân vật từng đấu tranh dân chủ xuất hiện trên truyền hình, phát biểu ủng hộ thiết quân luật và dè bỉu những ai đòi đối lập. Nhân vật điển hình là ông Brunee, phát ngôn viên của Công đoàn Đoàn kết. Trở về Ba Lan sau chuyến công tác nước ngoài, ông lập tức bị bắt tại sân bay. Trong trại giam, ông bị đánh tới nỗi khi lên truyền hình nói „yêu Đảng Cộng sản”, người ta thấy mặt ông bầm tím. Những trường hợp bị thuyết phục đầu hàng thời Ba Lan cộng sản rất nhiều, người ta bị khủng bố về tính mạng, đe dọa gia đình. Tôi cũng từng bị khủng bố như vậy khi ngồi tù hồi năm 1982, rằng nếu tôi chịu lên truyền hình thì tôi và gia đình sẽ được nhà nước cho xuất ngoại, sẽ được rút thời gian hưởng án… Công an còn nói dối tôi, rằng học trò của tôi đã bị bắt và họ sẽ xử lý học trò tôi nếu tôi không làm theo ý họ… Tôi không lung lay và không làm theo ý của công an, nhưng tôi không lên án những người đã không chịu nổi khủng bố bởi tôi biết họ phải chịu áp lực kinh khủng như thế nào. Rất kinh khủng khi công an nói với bạn rằng chúng sẽ làm hại vợ, hại con bạn.

Tôn Vân Anh: Nhưng không vì sự thông cảm của ông với nạn nhân mà mấy màn diễn trên truyền hình trở nên vô nghĩa…

Krzysztof Łoziński: Cô muốn hỏi về giá trị của những cuốn video? Những màn diễn trên ti-vi hoàn toàn không thuyết phục bởi chúng chứng tỏ những người trong phim đã bị khủng bố. Ví dụ điển hình là ở Trung Quốc, đã có thời người ta sợ tới nỗi tự động viết bản tự kiểm điểm, tự viết ra những lỗi lầm người ta không phạm phải, tố giác láng giềng của mình rồi đem nộp cho nhà cầm quyền. Tất nhiên nhà cầm quyền lợi dụng những gì họ có để có thể đàn áp bất kì ai, bất cứ lúc nào. Nếu nạn nhân không bị khủng bố thì phải đặt câu hỏi bộ phim có bị ghép giả hay không. Nhất là trong điều kiện kĩ thuật thời nay, người ta có thể ghép vào phim cả những câu chữ mà người trong phim chưa bao giờ nói ra. Bản chất của cộng sản là dối trá, không nói dối thì không phải cộng sản. Cộng sản muốn dối trá trở thành thói quen. Những gì đang xảy ra ở Việt Nam nói chung không có gì mới mẻ.

Tôn Vân Anh: Thế dư luận Ba Lan trước kia phản ứng thế nào với những màn diễn đó? Có mẫu phản ứng chuẩn mực nào cho những tình huống như thế này không?

Krzysztof Łoziński: Tại Ba Lan thì đội ngũ dân chủ đã đạt mức mạnh mẽ và bao phủ. Ở Ba Lan xã hội đã hoàn toàn ngờ vực vào thể chế cộng sản. Cộng sản Ba Lan từng cho lên truyền hình cuốn video ghép hình Lech Wałęsa nói chuyện với em trai mình, trong đó người anh nói với người em là anh ta kiếm được không biết bao nhiêu tiền nhờ phong trào Đoàn kết, rồi nói chuyện bổng lợi thu được từ Nobel Hòa bình. Nhưng chẳng ai tin cuốn băng đó cả. Vì sao như vậy ư? Vì cộng sản đã phá sản niềm tin, dù có ghép hình khéo tới đâu. Có thể là ở Việt Nam người ta vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài. Sẽ tới lúc người dân biết họ bị dối lừa và rồi người dân sẽ quay lại trừng trị chế độ. vì bị lừa dối. Tất nhiên, không chỉ có chế độ độc tài gánh chịu hậu quả, xã hội cũng sẽ phải chịu những hậu quả lâu dài mà dối trá đem lại. Tại Ba Lan, đã 20 năm từ khi nước này giành được dân chủ, nhưng thi thoảng các vết thương cũ vẫn bị nhói đau.

Tôn Vân Anh: Đó là dư luận. Thế còn đội ngũ đối lập đã làm những gì khi đồng đội lên ti-vi đầu hàng, một tình huống rất không có lợi cho đối lập?

Krzysztof Łoziński: Chúng tôi đính chính các thông tin, nói quan điểm chính thống của chúng tôi như thế nào. Công cụ truyền thông xưa kia của chúng tôi rất thô sơ, khiêm tốn, chúng tôi chỉ có báo chí in chui và mấy đài radio tự chế, so với hệ thống truyền thông khổng lồ của Đảng Cộng sản. Thế nhưng chúng tôi có niềm tin của xã hội. Một tờ báo hai trang của chúng tôi, có khi in bị nhòe rất khó xem mà cũng được nhiều người truyền tay nhau đọc. Chúng tôi có được niềm tin, nhưng với điều kiện là chúng tôi phải trưởng thành tới mức biết từ bỏ dối trá và không tin cộng sản.

Cuộc nói chuyện với ông Krzysztof Łoziński thực hiện tại Ba Lan ngày 21 tháng 8 năm 2009.

Tôn Vân Anh

Địa chỉ tin tức trên ▼
http://www.talawas.org/?p=9316

Nhục và sống nhục

Chiều tối 19 tháng 8, 2009, thời gian đông khán giả nhất trong ngày, nhiều kênh truyền hình quốc doanh Việt Nam đã cùng lúc, giống như phát động một chiến dịch quan trọng, chiếu đoạn phim dài khoảng 15 phút, về mấy nhà vận động dân chủ mới bị bắt, và còn đang bị giữ, như Nguyễn Tiến Trung, Lê Cộng Định… thú nhận mình đã phạm pháp, tội chống chính phủ, hối tiếc và xin được khoan hồng. Việc xin khoan hồng này đã bị có người nghiêm khắc lên án là “thích sống nhục”. Nhân chuyện này, thử xét xem, trong số trên tám chục triệu người mang dòng máu Việt, ai nhục, ai không, và ai sống nhục?

Đáng chú ý đầu tiên là thời điểm phát tán đoạn phim nhận tội và xin khoan hồng. Chiều 19 tháng 8. Tuy nền độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức công bố ngày 2 tháng 9, nhưng ngày 19 tháng 8 của Việt Nam có giá trị tương đương với Ngày Độc lập của Mỹ mùng 4 tháng 7, và Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7. Ngày kỷ niệm Cách mạng, hay ngày Độc lập của một nước, là thời gian dành để nhớ lại thành tích trọng đại của dân tộc trong lịch sử quốc gia.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản đã cướp được thời cơ, giành lấy quyền lãnh đạo “cuộc cách mạng long trời lở đất”, với sứ mạng giải phóng dân tộc, đem lại tự do dân chủ cho toàn dân. Trong cuộc cách mạng 64 năm trước, hàng ngàn, hàng triệu thanh niên từ Bắc chí Nam đã có cơ hội trực tiếp tham gia vào việc thay đổi một thể chế, với hy vọng thiết lập một thể chế tốt đẹp hơn.

Vào đúng ngày kỷ niệm này 64 năm sau, những thanh niên ưu tú của đất nước, thay vì được an nhàn hưởng thụ những thành quả của cuộc cách mạng năm xưa, họ vẫn phải dấn thân đòi tự do dân chủ, như cha anh họ đã làm. Nhưng kém may mắn hơn. Cha anh họ thoát được cảnh đàn áp của người ngoài. Họ bị chính những người cầm quyền nước mình, nhân danh cách mạng, nhân danh chính quyền của nhân dân đàn áp, thô bạo và dã man hơn thực dân. Họ bị bắt chỉ vì quan tâm tới tiền đồ của đất nước, bị áp bức đến nỗi phải chối bỏ chính mình, hối hận về những điều đã nói, đã làm. Họ bị điệu lên truyền hình, nhận tội và xin khoan hồng về những việc làm đáng lẽ phải được đề cao trong ngày kỷ niệm Cách mạng.

Hãy thử tưởng tượng: Ngày 4 tháng 7, truyền hình Mỹ; hay ngày 14 tháng 7, truyền hình Pháp; thay vì chiếu cảnh an bình thịnh vượng, dân chúng đi nghe hòa nhạc, coi pháo bông, vui hưởng Ngày Quốc khánh, lại chiếu cảnh những thanh niên ưu tú của đất nước bị công an bắt, tiều tụy, đọc như rô-bốt lời thú tội đã chống chính phủ, hay bàn thảo kế hoạch vận động tự do dân chủ, và xin được khoan hồng. Nếu tưởng tượng này là sự thật, ai nhục?

Nhưng chuyện này đã thực sự xẩy ra tại Việt Nam, vào chiều ngày kỷ niệm Cách mạng 19 tháng 8. Tại sao 64 năm sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, giới trẻ vẫn còn phải vào tù vì đòi hỏi những gì cha anh họ không có trước đây? Sau thời gian dài như thế, người dân vẫn còn khao khát, và chịu đựng những gì như người dân 64 năm trước. Vậy, những hy sinh cho cách mạng bằng cái chết của hàng triệu người, bằng hạnh phúc của ba bốn thế hệ, để làm gì? Ai nhục?

Cuộc Cách mạng 19 tháng Tám 64 năm trước đã đưa tới việc thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với ba mục tiêu sáng ngời: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Hơn sáu mươi năm sau, độc lập ở đâu khi tầu Trung Quốc đàn áp ngư dân của mình, trong hải phận của mình, mà chỉ dám gọi là “tầu lạ”; tự do ở đâu khi những kẻ chỉ trích chính quyền bị bắt và buộc tội phản quốc; hạnh phúc ở đâu khi dân chúng hết lớp này lớp khác liều chết bỏ nước ra đi? Ai nhục? Đó là nói chung về chế độ. Sau đây là mấy trường hợp trong hàng ngũ lãnh đạo.

Theo những tiết lộ nhiều người đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn lấy vợ mà không được lấy, có con không được nuôi, người tình bị hạ sát dã man. Vậy mà vẫn sống đóng vai “Cha già Dân tộc”. Sống như thế, sống vinh hay sống nhục?

Các Tổng thống thứ hai và thứ ba của Hoa Kỳ là John Adams, và Thomas Jefferson, cả hai cùng qua đời vào ngày kỷ niệm thứ 50 nền độc lập Hoa Kỳ (4-7-1826). Là những người lập quốc, hai ông được coi như có vinh dự qua đời vào ngày kỷ niệm Độc lập. Chủ tịch đầu tiên Hồ Chí Minh, cũng là người đã sáng lập ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, qua đời vào ngày kỷ niệm Độc lập lần thứ 24 (2-9-1969). Nhưng đã bị Bộ Chính trị hoãn lại ngày chết, và sửa cả chức thư. Cố Chủ tịch chẳng những sống, mà chết cũng không vinh.

Xác Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay vì đem thiêu như ý muốn của người quá cố, đã bị Bộ Chính trị quyết định giữ lại, ướp và trưng bầy như một thứ bùa hộ mệnh cho tập đoàn cai trị. Đảng Cộng sản Việt Nam, sau hơn 70 năm thành lập, phung phí bao sinh mạng và tài sản nhân dân, vẫn không thể tự đứng vững bằng hai chân của mình. Vẫn phải gian dối, dựa vào một cái xác khô để tồn tại. Ai nhục? Ai sống nhục? Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với tư cách đứng đầu chính phủ, tất nhiên phải biết rõ phần đất nào, hải đảo nào thuộc lãnh thổ Việt Nam, vậy mà ngày 14 tháng 9, 1958, ông đã ký công hàm thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Trách nhiệm như ông, biết như vậy mà làm như vậy. Ai nhục? Ai sống nhục?

Vị thế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Việt Nam, chẳng kém gì Thiếu tướng Charles de Gaulle đối với Pháp. Sau khi cầm quân giải phóng đất nước, Tướng de Gaulle được hai lần mời ra cầm quyền lãnh đạo nước Pháp qua cơn nguy biến. Tướng Giáp, sau khi cầm quân chiến thắng Điện Biên, được Đảng cho “cầm quần chị em”. Rồi, nhiều lần phải gửi thư, kiến nghị về các vấn đề trọng đại, như phá di tích cổ thành Thăng Long, và khai thác bauxite. Nhưng kiến nghị cũng không được cứu xét, báo đăng lại còn bị trừng phạt. Như vậy là sống vinh, hay sống nhục?

Đương kim Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết bị báo chí quốc doanh thay đổi cả lời tuyên bố với báo chí nước ngoài, và trước lời cố vấn của một vị thiền sư nên mở rộng tự do tôn giáo và ngôn luận, đã giẫy nẩy: “Làm vậy nó đập tui chết!”, không cần biết làm vậy là đúng hay sai. Ông cũng từng tuyên bố trước yêu cầu chính đáng bỏ điều 4 Hiến pháp: “Bỏ điều 4 là tự sát!” Ở địa vị như thế, mà tuyên bố như thế, sống vinh hay sống nhục?

Đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, long trọng tự nhận mình là người yêu nhất sự thật và ghét nhất sự giả dối, nhưng cùng lúc bịa đặt rằng cấm tư nhân ra báo là theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Bịa đặt trong khi đề cao sự thật, là hai lần nói dối. Sống như vậy là vinh hay nhục? Lối sống của các nhân vật như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, dù sao cũng là tự mình chọn lựa ở ngoài đời, không phải dưới những áp lực ghê gớm của người trong tù, như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung…

Bây giờ xin nói tới cuộc sống của một vài thành phần quan yếu trong xã hội.

Về giáo dục: Ai cũng biết “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau”. Nhưng hãy khoan nói tới việc thiếu trường, thiếu thầy, thiếu học liệu và sách giáo khoa giá trị, cũng như thiếu học trình tiến bộ, trong khi học sinh bị bắt buộc học những môn “trò không muốn học và thầy không muốn dậy”. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc mới ghi lại trong blog của mình trên VOA một mẩu thống kê lấy từ kết quả một cuộc điều tra mới đây: “Chỉ có 18% số hộ gia đình, 12% số trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, gần 37% số trạm y tế xã có và đang sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.” Sau 64 năm cách mạng, đa số mầm non tương lai của Tổ quốc vẫn chưa được sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Thành phần này đang sống vinh hay sống nhục?

Về an ninh: Dưới khẩu hiệu “Công an là bạn dân”, chế độ có thừa công an đi làm tiền dân, quấy nhiễu dân, theo dõi dân ngày đêm, ném phân và mắm thối vào nhà dân, phá nhà thờ, dẹp chùa, đả thương giáo dân và tu sĩ, nhưng thiếu nhân viên bảo vệ an ninh, canh chừng trộm cắp và duy trì trật tự công cộng. Sống như thế là vinh hay nhục?

Về thông tin báo chí: Thời Cách mạng Pháp, báo chí là thế lực thứ tư sau giới quý tộc, tăng lữ và tư sản; thời bây giờ báo chí là quyền thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngày 16-6-04, tại Hà Nội, trong buổi giao ban báo chí hằng tuần ở Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, ông Nguyễn Khoa Ðiềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 79 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6): “Hơn bao giờ hết, các nhà báo lúc này phải thể hiện sự nhất trí cao với những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đề cao tinh thần trách nhiệm công dân, tích cực đấu tranh bảo vệ các quan điểm, đường lối của Ðảng và Nhà nước…” Hơn chục ngàn nhà báo của 700 cơ sở thông tin báo chí, có bao nhiêu người được sống vinh, và bao nhiêu “thích sống nhục”?

Về văn học nghệ thuật: Đối với giới làm văn học nghệ thuật, tự do quan trọng như dưỡng khí. Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/T.Ư về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Có những điểm sau:

Mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Quan điểm lãnh đạo: Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Hoàn thành cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Ðảng về văn học, nghệ thuật…

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì: Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật; phối hợp với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về văn học, nghệ thuật cho học viên trong hệ thống các trường chính trị.

Giới văn học nghệ thuật cúi đầu trước cuộc sống như vậy, là sống vinh hay sống nhục?

Về khoa học-công nghệ: Khoa học-công nghệ là lãnh vực chuyên môn, tưởng được ở ngoài vòng cương tỏa của Đảng. Nhưng có lẽ bài học bauxite đã khiến nhà cầm quyền cộng sản quyết định bịt miệng cả giới khoa học. Quyết đị.nh 97/2009/QĐ-TTg được Thủ tuo*ướng Dũng ký hôm 24/07 và bắt đầu có hiệu lực ngày 15/09 quy định: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”. Với quyết định này, nếu giới khoa học công nghệ cam chịu bịt miệng, là lựa chọn sống vinh hay sống nhục?

Nói chung: Những ai mang trong người dòng máu Việt Nam, có thấy nhục không trước những nguồn tin trẻ em, thiếu nữ Việt bị bán ra nước ngoài cho các ổ điếm; những thanh niên phải chạy tiền ra nước ngoài làm cu li bị đầy đọa, bóc lột; những phụ nữ đi Đài Loan, Đại Hàn tiếng là lấy chồng ngoại để có cuộc sống khá hơn nhưng đã bị hành hạ đến chết, hay phải tự tìm cái chết để khỏi bị tiếp tục kiếp nô lệ tình dục; người Việt nhập lậu vào Anh, Pháp, Ba Lan, Thụy Điển bị bắt về tội trồng cần sa; phi công và tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt ở Nhật, ở Đức, ở Úc, ở Thái vì buôn lậu và chở hàng ăn cắp; nhân viên ngoại giao cao cấp Việt Nam trao đổi hàng lậu ngay trước đại sứ quán mình tại Nam Phi; giới tiểu thương Việt bị chèn ép, khinh rẻ và hành hung tại Nga. Được biết những điều này mà không cảm thấy nhục, thì có còn là người Việt Nam? Thấy nhục mà không làm, không nói gì, tiếp tục sống như người vô cảm, có phải là thích sống nhục?



Ai tự thú vậy? ai cần xin ân xá?

Thời gian gần mười năm sau Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản đã tạo được thành tích làm cho những người nông dân chất phác tự tố cáo mình về những tội tầy trời, và xin khoan hồng trước dân chúng trong làng. Năm nay, thành tích mới của Đảng là có khả năng làm cho những trí thức xuất sắc như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung tự thú tội và xin khoan hồng như những nông dân trong cuộc cải cách ruộng đất năm xưa, không phải chỉ trong lãnh vực nhỏ hẹp trước dân làng, mà trên nhiều kênh truyền hình cho cả nước và thế giới cùng xem. Đó là thành quả chính của Đảng, được nêu cao trong ngày kỷ nệm Cách mạng lần thứ 64.

Những người như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, nếu “thích sống nhục”, họ chỉ cần im lặng sống như mọi người khác. Họ là những người có khả năng, từng du học nước ngoài, có thể làm giầu ở Việt Nam hay ra ngoại quốc sống an nhàn. Chỉ vì cảm thấy nỗi nhục trước thời cuộc, chỉ vì không muốn sống nhục, họ đã phải dấn thân hoạt động. Dù trong tình huống nào, họ và những người cùng hội đồng thuyền không phải là những người không biết nhục và thích sống nhục. Chính cái chế độ, cái cơ chế, những kẻ đã nhân danh tự do dân chủ làm cách mạng rồi quay lại đàn áp họ, phải chịu sự nhục nhã và sống trong nhục nhã.

Bộ Chính trị và gần ba triệu Đảng viên cộng sản, nếu vẫn tiếp tục cuộc sống mà không tỏ dấu hiệu ray rứt, không phải họ được miễn trừ khỏi sự nhục nhã tập thể, mà họ thuộc thành phần đáng thương. Một là vì cơm áo phải ngậm miệng buông xuôi sống với nỗi nhục của mình, hai là quá u tối không nhận ra nhục nhã. Với tám chục triệu dân còn lại, dù ở trong nước hay ngoài nước, thay vì chỉ mặt chê người khác sống nhục, nên cùng nhau tìm cách sớm thoát khỏi nỗi nhục chung.

Gần đây công an và tuyên giáo Hànội bày ra trò các nhà dân chủ bị bắt vào tù lần lượt xuất hiện trên vô tuyến truyền hình và trên báo của nhà nước, với những lời thú tội theo như ý muốn của họ là : đã hoạt động chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chế độ hiện hành, vi phạm pháp luật, do non nớt, dại dột, bị lôi kéo, nay hối cải, xin được khoan hồng và ân xá để trở thành công dân tốt(!), người lương thiện(!). Họ đều đọc như máy, nói như vẹt!

Đây là trò hề rất cũ, đã được thi thố quá nhiều, bị thất bại nặng nề, nhưng trong bế tắc họ vẫn cứ đưa ra dùng, vì nhân dân ta vẫn còn có người lầm lẫn. Họ học ở đâu? Công an cộng sản, tuyên giáo cộng sản học từ nguồn phát xít Hitle, với những mưu thâm của Gơben, tuyên truyền lắp đi lắp lại mãi gây vết hằn sâu trong não, điều giả dối nhất rồi cũng thành y như thật. Họ học chủ yếu là ở đâu những thủ thuật ma giáo ấy? Ngay từ năm 1950, từng đoàn cán bộ công an và tuyên giáo nô nức sang Nga sang Tàu, theo dõi các trại cải tạo, các lớp chỉnh huấn, các cuộc đấu tố "phản cách mạng", thụ huấn trong các trường, lớp cao cấp, trung cấp, tiếp thu tận gốc những lý luận của các tổ sư Béria và Khang Sinh trong cái nghề đàn áp và khủng bố nhân dân, với những kho kinh nghiệm được tổng kết chuyên sâu và còn cho thực hành thử nghiệm.

Cái nghề an ninh và tuyên giáo cộng sản chính hiệu có thể tổng kết trong các thủ thuật : - đánh vào cuộc sống. Từ đơn giản. Không cho uống nước, không cho ăn, không cho nằm (đứng suốt ngày), không cho đi lại (phòng quá chật), không cho ánh sáng, hoặc quá nhiều ánh sáng (đèn pha cực mạnh chiếu vào gáy) ...

- tùy từng tính cách cá nhân đối tượng mà lập phương án tấn công : yêu vợ con mong tin vợ con (phao tin nhảm, vợ ngoại tình, con hư hỏng, bố mẹ ốm nặng ...) để gây lo nghĩ, hoang mang; tuỳ sở thích cá nhân, ưa thuốc lá gì (Cotab hay Philip Morris hay thuốc lào) ; rượu gì (Cognac hay bia, hay rượu đế) để mua chuộc, "khuyến khích" khi cần;

- tuỳ tính tình mà đánh vào chỗ yếu - như ưa xu nịnh, ưa danh vọng, ưa hưởng lạc, tiền bạc, so sánh người này với người khác, khơi dậy những suy tính, kèn cựa nhỏ nhen ...

- giăng bẫy, như trong chỉnh huấn cán bộ cao cấp, họ đưa ra vài anh được bồi dưỡng kỹ rồi đưa lên báo cáo điển hình (kể lể lu bù : con địa chủ, ăn chơi trác táng từ nhỏ, tàn ác với người ở, lừa thày phản bạn, dâm ô hủ hóa, kèn cựa địa vị, cầu an bảo mạng, mỗi tội đều có tình tiết giật gân như trong tiểu thuyết, trong phim ảnh, hay như bản nhận tội với cha cố; cuối cùng bao giờ cũng khóc, khóc nấc lên, cả hội trường cùng sụt sùi; và kết luận : tôi là đồ rác rưởi trong xã hội, đồ sâu bọ, đồ bỏ đi, đồ ăn hại, đồ phản động, đáng tội chết, may nhờ có đảng giang tay ra cứu, tôi đội ơn suốt đời và tự nguyện lập công chuộc tội ....);

- cho đi tàu bay giấy : để tác động đến mọi người, ban chỉ đạo chỉnh huấn, cải tạo liền ca ngợi, biểu dương, tâng bốc những điển hình trên là : cải tạo rất tốt, gương mẫu trong phản tỉnh, thành khẩn để tự chiến thắng, thắng lợi quyết định trong cả cuộc đời, rồi ca ngợi là "Chân Anh hùng" - anh hùng chân chính, không phải ngụy-anh hùng (!), "Chân Quân tử", thế mới là đảng viên CS chân chính, tin ở đảng vĩ đại (!), tin ở các lãnh tụ Mác, Lênin, Staline, Mao, Hồ ...Thế rồi họ được tặng "ảnh Bác", được "Bác" gửi lời ban khen, được quàng vòng hoa, được mời lên ngồi ghế danh dự!

Thế là cả lớp học lên đồng tập thể, tự "vỗ ngực đôm đốp", cố lập công về "phản tỉnh", cố đạt kỷ lục về "thành khẩn". Không có cũng cố nghĩ ra, tưởng tượng ra, sáng tạo ra tội giật gân nhất, thường là tội về "hủ hoá" : tán tỉnh cô này, sờ vú cô nọ, rủ gái nông thôn ra bãi dâu, bên đụn rạ; có khi còn ly kỳ hóa phịa ra ý định đầu hàng địch, bỏ ngũ để vào địch hậu, nói xấu lãnh đạo và lãnh tụ...
Tôi còn nhớ hồi 1953-54, trong quân khu V giải ra quân khu IV ở Vinh viên tư lệnh phó quân khu cấp tướng; ông ta là trí thức, trong chỉnh huấn, trót tự đấm ngực để cố tỏ ra thành khẩn, tự khai có "ý tưởng"(!) đem một số quân vào vùng địch đầu hàng. Chỉnh huấn xong, ông ta bị an ninh và bảo vệ đảng tra hỏi, tra tấn cực hình, không khai nổi vì chuyện thật ra không hề có, thế là cứ thế mà ngồi tù không án, chết rụi trong một xó xỉnh nào không ai hay ! Chuyện có thật 100%.

Cái trò hề tự thú và xin ân xá mới đây vẫn là chung một nguồn trăm nghìn trò hề đã diễn ra, từ an ninh và tuyên giáo cộng sản, chỉ khác là khi đảng CS đã suy tàn, hết linh thiêng, từ gốc gác, cội nguồn, từ "thuỷ tổ" đến các "thần linh" và lãnh tụ thảm hại tuốt luốt của họ. Lẽ ra phải xếp những trò hề ấy vào chỗ kín.

Thời buổi văn minh hiện tại, khi minh bạch công khai trở thành nếp sống của mọi công dân lương thiện và chính quyền lương thiện, cuộc tự thú và xin khoan hồng chỉ có giá trị khi các đương sự được hoàn toàn tự do và tự chủ - không có bất cứ một sức ép nào - tuyên bố công khai trước đại biểu chính quyền, trước đại biểu gia đình, bạn bè, trước các nhà báo (báo nói, báo viết, báo ảnh ...) trong và ngoài nước. Chỉ khi ấy mỗi lời tự thú và xin khoan hồng nếu có mới có giá trị hoàn toàn.

Việc xử án cũng vậy. Nhất thiết phải công khai, minh bạch, có đại biểu nhân dân, gia đình, các nhà báo trong và ngoài nước, có luật sư biện hộ, cho các đương sự phát biểu hết ý kiến, như ở mọi phiên toà bình thường ở mọi nước dân chủ. Hãy chờ xem. Họ chúa sợ ánh sáng của công khai, sự thật. Các cuộc tự thú và xin ân xá tiền chế rất dơ dáng và lạc lõng vừa qua xin trả lại để cho vào kho tàng tội ác của chủ nghĩa CS hiện thực đang bị cả loài người văn minh lên án. Nó chỉ có ý nghĩa duy nhất là sự tự thú trên thực tế của một chính quyền cộng sản toàn trị lạc lõng đã "quá đát", đã thuộc về dĩ vãng của loài người , nhưng vẫn còn cố tồn tại như một thách thức láo xược với lương tri và lẽ phải.

Lẽ ra chính quyền toàn trị tệ hại phải tỏ lời ăn năn hối cải rồi xin ân xá với nhân dân, với lịch sử, với tiền nhân, với các nhà dân chủ ... về vô vàn đau khổ, mất mát, bất công họ đã gây ra! Chỉ có vậy mới là công bằng, là đúng đắn, là tối ư cần thiết và cấp bách!

Bùi Tín
Paris 24-8-2009

Địa chỉ tin tức trên ▼
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8000

Attentionupdate Pictures, Images and PhotosAttention

Đọc giả thích xem tin tức mới cập nhật mỗi ngày, hoặc nghe đọc tài liệu tham khảo, xin hãy nhấn vào Websites dưới đây ▼

www.tiengnoitudodanchu.org
www.huyenthoai.org

Quí vị ở VN muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website dưới đây, sau đó đánh địa chỉ trang mạng nào bạn muốn tìm sẽ vô được một cách dễ dàng!

www.anonymouse.org/anonwww.html
Vượt Tường Bức Lửa ^ (Anti Firewall ▼)

www.anonymouse.org/anonwww.html

Khi đã mở Web vượt tường lửa ra xong, các bạn hãy copy website nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ Website vào cái khung nhỏ nằm trong hàng chữ màu đen đậm giống dưới đây

Enter website address:

Ví dụ: ► www.rfa.org/vietnamese

Kế tiếp nhấn hàng chữ nằm bên tay phải giống như dưới đây▼
Suft Anonymously

Ghi Chú: Khi đến cuối trang, quí vị thích xem tiếp thì hãy nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ ở dưới ▼ Newer Post, Home, Older Posts

Blog Archive