Mấy ngày vừa qua, sau việc anh Nguyễn Tiến Trung và bạn đồng chí hướng đồng loạt nhận vi phạm pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và xin khoan hồng, một số nhà báo có hỏi tôi: “Cảm giác của Lan bây giờ ra sao?” Tôi chưa bao giờ trả lời thẳng vào câu hỏi ấy, phần vì thận trọng, phần nhiều vì không muốn biểu lộ cảm xúc riêng tư của mình. Nhưng đến giờ, tôi cảm thấy tôi cần phải viết, vì sau gia đình anh Trung, tôi là người gần gũi với anh Trung nhất và hiểu anh ấy hơn những người khác. Tôi cảm thấy tôi cần góp tiếng nói vào cuộc tranh luận, vì tôi không đồng tình với phản ứng của một số người.
Cá nhân và dân tộc
Xem những đoạn video [ VTV: Nguyễn Tiến Trung, VTV: Trần Huỳnh Huy Thức, VTV: Trần Anh Kim & Lê Công Ðịnh], tôi không hề cảm thấy thất vọng, mà chỉ cảm thấy buồn và thương bạn mình, vì tôi biết họ đang phải nói những điều trái với lương tâm. Có gì đau xót hơn khi những người đã chọn hi sinh sự nghiệp và đời sống riêng tư để đi theo tiếng gọi của lương tâm họ, nay lại phải nói lên những điều trái với niềm tin của mình.
Tôi tin rằng những gì anh Trung đã nói lên trong đoạn băng nhận tội, xin khoan hồng là trái với lương tâm của anh. Tôi hiểu anh Trung đủ để biết rằng anh Trung không phải là người vì áp lực, vì thiếu thốn hay vì tù tội mà nản lòng. Khi anh Trung ở trong quân đội, khi anh không chịu đọc Mười lời thề, người ta cũng đã đe dọa sẽ làm anh “biến khỏi trái đất này mà không ai biết.” Tôi hiểu anh Trung đủ để biết rằng anh không phải là người hoạt động chính trị vì danh, vì lợi, vì tiền, mà là vì anh muốn làm những điều có ý nghĩa trong cuộc đời này, và vì anh luôn muốn dân tộc và đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Nếu chỉ một mình anh Trung nhận tội, có lẽ tôi sẽ lo lắng, và hoang mang rằng có thể anh đã nản chí. Nhưng tôi hoàn toàn không cho là như vậy, vì cả 4 người cùng nhận tội, xin khoan hồng. Người ta có thể nghĩ Trung bị đe dọa tính mạng mà sợ hãi phải đầu hàng, vậy họ sẽ nghĩ thế nào đây về lời nhận tội của bác Trần Anh Kim, vốn là một cựu chiến binh, đã từng vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng? Người ta có thể nghĩ Trung còn trẻ, chưa từng trải, vậy người ta nghĩ thế nào về ông Tổng giám đốc OCI Trần Huỳnh Duy Thức đã gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng và đưa công ty anh trở thành một trong những công ty nội địa hiếm hoi vươn ra thị trường nước ngoài? Cũng cần biết rằng chuyện đe dọa tính mạng với Trung không phải là mới, người ta đã đe dọa tính mạng Trung từ bức thư ngỏ đầu tiên gửi ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, và tiếp tục đe dọa tính mạng anh nếu tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đe dọa tính mạng anh khi anh không chịu đọc Mười lời thề. Không, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng anh Trung và các anh em khác đã ngã lòng. Phỏng đoán của tôi là có thể họ đã chấp nhận hy sinh danh dự của mình vì lợi ích cao hơn của đất nước.
Trung và các anh em khác không phải là những người hoạt động chính trị để đánh bóng cá nhân, nên tôi biết, nếu phải lựa chọn giữa bản thân họ và lợi ích quốc gia, họ sẽ đặt dân tộc lên trên bản thân mình. Hơn nữa, trong cuộc chiến dân chủ/phản dân chủ, nào có phải là cuộc đối đầu một mất một còn, cay cú ăn thua. Nhường một bước để giữ hòa khí, đoàn kết mà đương đầu với những thế lực ngoại bang đã và đang lấn đất, chiếm biển, giết hại dân thường vô tội, thì cũng đáng để làm lắm chứ. Và nếu Nhà nước thực sự thả những người này ra sớm sau khi họ đã xin khoan hồng, thì đó sẽ là cách hành xử hợp đạo lý, hợp lòng dân, và có lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực.
Dù gì, đây cũng chỉ là một phỏng đoán giữa muôn vàn phỏng đoán khác. Tôi đưa ra giả thuyết này để chỉ ra rằng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Chừng nào chưa có đủ dữ kiện, thì đừng kết luận điều gì, và lại càng không nên lên án người trong cuộc.
Con đường chính trị
Là một người hoạt động chính trị, tôi hiểu rất rõ vì sao người đời thường nói chính trị khắc nghiệt và không muốn dấn thân vào con đường này. Khắc nghiệt bởi tôi thấy những người lãnh đạo chính trị, cần phải có niềm tin – tin vào lý tưởng của mình, tin vào các giá trị và các nguyên tắc mà mình đã chọn lựa, và phải có bản lĩnh sẵn sàng kiên trì thuyết phục quần chúng, gây dựng lực lượng để làm nên nghiệp lớn. Khắc nghiệt, nhất là trong những đoạn đường đầu của con đường chính trị “cách mạng” lội ngược dòng, bởi vì họ thường cô độc. Cô độc không phải vì không có ai hiểu hay ủng hộ họ, mà cô độc vì không mấy ai hiểu những tâm tư, trăn trở, những hỉ nộ ái ố rất người, nhưng cũng rất sâu sắc và mãnh liệt của họ. Lãnh đạo chính trị thường không biểu lộ những cảm xúc riêng tư để luôn hết mình và tích cực cho việc chung, bởi người đời mong được thấy những lãnh đạo chính trị luôn mạnh mẽ, luôn lạc quan, luôn xông xáo để họ đi theo. Nhưng, có ai chắc “bia đá không đau...”
Tôi nói chính trị khắc nghiệt, cũng vì bởi người đời hi vọng nhiều quá, nên khi những người làm chính trị dường như làm điều gì không vừa ý họ, làm họ thất vọng, thì họ không tiếc lời chỉ trích, thóa mạ, ngay cả khi thực chất sự việc chưa được làm sáng tỏ. Trò chơi chính trị với những chiến lược, với những nước cờ chiến thuật, không phải lúc nào cũng có thể công bố công khai hay giải thích cặn kẽ. Người làm chính trị vì vậy cần phải cứng rắn, kiên định với chiến lược của họ kể cả khi một số người vì không hiểu mà chỉ trích, nếu họ tin rằng họ đang đi đúng con đường để đạt được mục tiêu có lợi nhất cho đất nước. Những việc này không phải ai cũng hiểu, vì vậy, công việc chính trị luôn có rất nhiều áp lực.
Những người đã từng nói ủng hộ dân chủ, hi vọng vào những lực lượng đấu tranh mới, nay quay lại đả kích, chỉ trích không tiếc lời các anh em dân chủ, như vậy họ đã trúng kế những người cố tình đặt ra màn kịch “nhận tội, xin khoan hồng” rồi. Xin đừng nhìn vào đoạn video đó như một sự hèn nhát của các anh em dân chủ, mà cần phải nhận rõ rằng đó là sự lúng túng của một Nhà nước nắm trong tay quân đội, quyền lực, tiền bạc, mà công khai hành xử một cách phi pháp. Có gì đau xót hơn cho tôi, một thanh niên, một người học luật, khi chứng kiến lực lượng “bảo vệ pháp luật” ngang nhiên hành xử một cách vi phạm pháp luật như vậy?
Một Nhà nước đàng hoàng cần phải thượng tôn pháp luật. Mà nếu vậy nếu cáo buộc ai vi phạm pháp luật thì cần phải mang ra xét xử đàng hoàng. Có cần sử dụng hệ thống truyền thông Nhà nước răm rắp xếp hàng đi theo lề phải để bôi nhọ và hạ thấp danh dự của bốn con người có nhiều hoài bão lớn cho đất nước? Nhân dân đóng thuế nuôi Nhà nước để Nhà nước phục vụ nhân dân, đào tạo và tìm kiếm người hiền tài phục vụ đất nước, chứ không phải để nuôi bộ máy công quyền làm những trò trái pháp luật, trái đạo lý và hãm hại nhân tài như vậy.
Giữ niềm tin chung vì luôn còn hi vọng
Tôi chỉ mong rằng, những người ủng hộ dân chủ và mong muốn những đổi mới cho đất nước, hãy chủ động hơn trong tiến trình dân chủ hóa, và hãy giữ niềm tin, đừng rơi vào cái bẫy chia rẽ, bôi nhọ mà những người chủ trương dựng lên vốn đã quá sành sỏi lão luyện để làm việc ấy. Đừng nhìn phong trào dân chủ qua hình ảnh của vài cá nhân, mà hãy nhìn con đường dân chủ như bức tranh lớn cho đất nước. Họ có thể thất vọng vì một vài cá nhân, đó là quyền của họ, nhưng đừng vì thế mà bi quan về triển vọng dân chủ, đừng vì thế mà không suy nghĩ sâu hơn về câu hỏi vì sao, trong tình thế như thế nào mà những người dân chủ lại hành xử lạ lùng như vậy. Một số sự việc có thể lạ lùng và phi lý nếu đứng tách riêng ra. Nhưng nếu đặt chúng trong bức tranh lớn để lý giải, thì sự lạ lùng không đến nỗi lạ lùng như vậy, và sự tưởng như vô lý thực ra lại có thể có lý.
Chính trị không phải chỉ là hô khẩu hiệu, hay tỏ vẻ cứng rắn anh hùng bất chấp tất cả. Chính trị là khôn khéo, lấy đạo người làm gốc, quy phục nhân tâm để cùng nhau thực hiện những mục tiêu, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tôi giữ niềm tin rằng anh Trung cũng như các anh em kia đã làm những gì họ cho là cần phải làm vì lợi ích chung, cho dù phải hy sinh danh dự của họ. Chết cho Tổ Quốc không phải là chuyện khó, dám Sống trong thử thách và Sống một cuộc đời có ích cho Tổ Quốc thì khó hơn nhiều.
Cho dù có chuyện gì xảy ra, tôi tự hào vì những gì những người anh em của tôi đã dám nói, đã dám làm. Tôi cảm nhận rõ những tâm tư trăn trở của họ, những tâm tư của những người làm chính trị, và những cảm xúc, tình cảm rất Người. Nếu tôi đã không có tài năng, dũng khí để làm được những gì họ đã làm, thì tôi biết rằng bây giờ tôi cần đứng sau lưng họ, bảo vệ họ, làm tất cả những gì mà một tôi nhỏ bé có thể làm được. Quan trọng hơn, tôi sẽ giữ niềm tin. Mất niềm tin vì những thủ đoạn gây chia rẽ và bôi nhọ chuyên nghiệp và đầy ác ý là một phản ứng không nên có.
Hoàng Lan.
Bloomington, Indiana, 23 tháng 8 năm 2009
Nguyên Khôi (SBTN) phỏng vấn Nguyễn Hoàng Lan
Địa chỉ tin tức trên ▼
http://taphopthanhniendanchu.org/index.php?option=com_content&view=frontpage&Itemid=63
Hãy cứ đợi đấy!
Ngày 20 tháng 8 năm 2009, nhà cầm quyền Hà nội cho ti-vi chiếu cảnh một số anh em dân chủ đã “ăn năn thú tội”. Bên cạnh anh Nguyễn Tiến Trung, anh Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Anh Kim còn có thêm Luật sư Lê Công Định, người trước đây đã xin “hưởng lượng khoan hồng”. Mục tiêu của lần này ngoài việc đánh đổ uy tín cá nhân của anh em dân chủ nói riêng và Phong trào Dân chủ Việt Nam nói chung, Bộ công an Hà nội còn muốn nhắm vào phía chính giới Hoa Kỳ.
Bản thú tội được anh Nguyễn Tiến Trung, anh Trần Huỳnh Duy Thức và Ông Trần Anh Kim viết ngày 13 tháng 8 năm 2009 nhưng mãi đến ngày 20 mới chính thức phát hình, tức là sau vài ngày khi Nghị sĩ Mỹ Jim Webb có mặt tại Việt Nam. Những lời “buộc” phát biểu của anh Nguyễn Tiến Trung và Luật sư Lê Công Định cho thấy nhóm lãnh đạo an ninh CS thân Bắc Kinh muốn gây ấn tượng trong nội bộ CSVN trước Đại hội đảng 11 là có yếu tố chỉ đạo đòi Dân chủ của “nước ngoài”, và gửi tín hiệu với Mỹ “đừng can thiệp vào nội bộ Việt Nam, đừng đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền”. Cảnh thú tội cũng nhằm khẳng định là những người này đã công khai nhận tội, vi phạm pháp luật Việt Nam và xin nhà nước khoan hồng. Vì vậy, Mỹ và dư luận quốc tế không còn lý do vững chắc để đặt vấn đề “nhân quyền” với Hà Nội. Không ai tin những anh em này lại thành khẩn “cúi đầu nhận tội”. Tuy nhiên trong cảnh “cá chậu chim lồng”, họ đã phải bước lùi, vừa trái với lý tưởng của họ, vừa đi ngược lại xu hướng của cuộc đấu tranh.
Những hiện tượng “thú tội” của Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, luật sư Lê Công Định, nếu có làm dư luận bức xúc và lo lắng cho tương lại Phong trào Dân chủ, thì dư luận cũng cần vững tin vào những kiên cường của số anh chị em dân chủ sắp bị Hà Nội đưa ra xét xử như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, anh Ngô Quỳnh, anh Phạm Văn Trội, chị Phạm Thanh Nghiên v.v.. hay nhiều người khác đã từng bị Hà Nội tuyên án tù như Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyễn, Trần Quốc Hiền, bác sĩ Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo, Trương Minh Đức, Nguyễn Phong, Đoàn Văn Diên, Nguyễn Tấn Hoàng v.v… Hãy nhớ rằng, họ đã và đang bị tù tội lâu nhất, chịu cảnh trấn áp dã man nhứt, nặng nề nhứt, khốc liệt nhứt, nhưng không ai trong số họ đã “cúi đầu nhận tội” hay “xin hưởng lượng khoan hồng”.
Nước Hàn Quốc vừa mất đi một vị anh hùng. Ông cựu Tổng thống Kim Đại Trọng, người đã dũng cảm đấu tranh chống lại chế độ độc tài Phác Chính Hy. Vì là nhà bất đồng chính kiến, ông từng bị chế độ cho công an, đặc vụ ám sát nhiều lần, từng bị tuyên án tử hình. Năm 1973, ngay tại Tokyo, đặc vụ Hàn Quốc đã bắt cóc Kim Đại Trọng đưa ra ngoài biển, chuẩn bị giết và ném xác xuống biển phi tang. Khi được mật báo, ông Don Gregg, trùm tình báo CIA tại Hàn Quốc đã quyết định phải khẩn cứu. Ông đã cho máy bay trực thăng bay vòng vòng trên chiếc tàu đang giam Kim Đại Trọng, làm to chuyện nhằm áp lực chính phủ quân phiệt. Nhờ sự can thiệp quyết liệt của Don Gregg, Phác Chính Hy đã miễn cưởng tha mạng của họ Kim.
Nhờ lòng can đảm và quyết liệt đấu tranh đến cùng, vì sự nghiệp Dân chủ và Tự do cho Hàn Quốc của Kim Đại Trọng, chế độ độc tài Phác Chính Hy đã phải sụp đổ. Nếu họ Phác giết Kim Đại Trọng, hay họ Kim “đầu hàng” chế độ độc tài, lịch sử đấu tranh Dân chủ của Hàn Quốc đã đi về đâu? Nhân dân Hàn Quốc đã cử lễ quốc táng cho Kim Đại Trọng và gương đấu tranh chống độc tài của ông xứng đáng cho Nhân dân Việt Nam cảm phục và học hỏi. Kim Đại Trọng có thể không làm nên “lịch sử” cho Hàn Quốc, nhưng “lịch sử” đấu tranh lật đổ chế độ độc tài Phác Chính Hy thì không thể thiếu vai trò của Kim Đại Trọng.
Chúng ta không đòi hỏi luật sư Lê Công Định, anh Nguyễn Tiến Trung, anh Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Anh Kim v.v…phải làm anh hùng. Không ai quyết định số phận của họ bằng chính họ. Cuộc đấu tranh vì Dân chủ cho Việt Nam vô cùng cam go, ngoài chế độ độc tài, toàn trị, còn phải liên tục tự đấu tranh trong chính chúng ta. Đây là cuộc đấu tranh tự nguyện, họ đã tự nguyện hy sinh, dấn thân và tự nguyện lùi bước, cho dù bị ép buộc, thì cuộc đấu tranh Dân chủ này không vì vậy mà gãy đổ, thoái trào.
Hãy cứ đợi đấy bạn ạ, vì thời gian sẽ trả lời. Lịch sử rất sòng phẳng, những kẻ có tội sẽ phải ra toà, hoặc toà án công luận hoặc toà án công lý. Hiện nay, kẻ có tội trước công luận không phải những anh em dân chủ bị ép “cúi đầu nhận tội” mà chính là nhà nước độc tài CSVN. Hãy cứ vững tin vào tương lai, vì đảng CSVN sẽ có ngày phải đối diện trước toà án công lý.
Ban Biên Tập Báo SVYN
Ngày 25 tháng 8 năm 2009
Điện thư: baosinhvienyeunuoc@gmail.com
Địa chỉ Blog: http://baosinhvienyeunuoc.blogspot.com
Đọc giả thích xem tin tức mới cập nhật mỗi ngày, hoặc nghe đọc tài liệu tham khảo, xin hãy nhấn vào Websites dưới đây ▼
www.tiengnoitudodanchu.org
Quí vị ở VN muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website dưới đây, sau đó đánh địa chỉ trang mạng nào bạn muốn tìm sẽ vô được một cách dễ dàng!
www.anonymouse.org/anonwww.html
www.anonymouse.org/anonwww.html
Khi đã mở Web vượt tường lửa ra xong, các bạn hãy copy website nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ Website vào cái khung nhỏ nằm trong hàng chữ màu đen đậm giống dưới đây ▼
Enter website address:
Ví dụ: ► www.rfa.org/vietnamese
Suft Anonymously
Ghi Chú: Khi đến cuối trang, quí vị thích xem tiếp thì hãy nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ ở dưới ▼ Newer Post, Home, Older Posts