Chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh. Lời tuyên bố đó cho ta hiểu tại sao ngay sau khi nổ ra vụ Tam Toà thì linh mục và giáo dân xứ Thái Hà do DCCT đảm nhiệm đã có mặt. Và chính các linh mục và tu sĩ DCCT là những người thường xuyên cung cấp thông tin, cũng như tổ chức khắp các nơi có nhà dòng các buổi cầu nguyện cho Tàm Toà, ví dụ như tại chính nhà thờ này ngày thứ Hai 27-7 vừa qua.
Nội dung buổi cầu nguyện hôm nay
Những thông tin liên quan đến Tam Toà thì tôi hy vọng anh chị em đã biết ít nhiều rồi, dĩ nhiên không phải qua báo đài của Nhà Nước vì toàn là những chuyện ngược với sự thật. Nhất là những anh chị em đã có dịp tham dự thánh lễ tại nhà thờ Kỳ Đồng này chiều tối 27-7 vừa qua thì đã thấy được ít nhiều hình ảnh. Còn những ai có phương tiện đọc các trang mạng VietCatholic hay Dòng Chúa Cứu Thế và nhiều trang mạng khác thì biết các thông tin rất đầy đủ. Tình cảnh thảm thương của những anh chị em sống tại một miền quê nghèo vào bậc nhất Việt Nam, với thời tiết khắc nghiệt, lại còn bị thiên tai đe doạ quanh năm, tình cảnh của những người tín hữu không có một nơi thờ phượng, của một số anh chị em tín hữu và linh mục bị đánh đập tàn nhẫn, người gãy tay, người gãy răng, người sém lòi con mắt, v.v… lại còn bị truyền thông Nhà Nước bóp méo sự thật, kết đủ mọi thứ tội. Trong thánh lễ tối nay, chúng ta cùng nhau hướng về Tam Toà, cùng hiệp thông, cùng chia sẻ, cùng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện tha thiết nhất của chúng ta.
Từ Thái Hà nhìn ra xa: Tuy nhiên tối hôm nay tôi không muốn dừng lại nơi những cộng đoàn địa phương như Tam Toà hay Thái Hà, nhưng muốn mời anh chị em đưa mắt nhìn xa hơn, rộng hơn, để có thể bao quát cả cộng đoàn Hội Thanh trên đất nước chúng ta. Du khách đến Việt Nam lác mắt trước những nhà thờ đồ sộ nguy nga, những toà giám mục, những chủng viện hoành tráng, những cơ sở vật chất không đầy đủ tiện nghi thì cũng khang trang rộng rãi. Bước vào nhà thờ ngày Chúa nhật thì lúc nào cũng đông người nếu không phải là đầy ắp, các nghi lễ phụng vụ diễn ra trang nghiêm sốt sắng. Số chủng sinh, tu sĩ, linh mục không ngừng gia tăng. Giám mục, linh mục, tu sĩ đi nước ngoài như đi chợ. Đây là những chuyện chúng ta không thề phủ nhận.
Cái giá phải trả: Vấn đề là ở chỗ để có được những thứ đó, chúng ta đã chấp nhận trả giá. Từ những vụ dân oan khiếu kiện xảy ra trên khắp nước, đến các vụ bắt bớ các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ, các nhà trí thức đặc biệt là các luật sư và nhà báo, các lãnh đạo tôn giáo kể cả Công Giáo, đến chuyện nhường đất nhường biển, gần nhất là vụ bauxite Tây Nguyên, Giáo Hội Công Giáo chúng ta đã ngậm miệng làm thinh, tự tách mình ra khỏi cộng đồng Dân Tộc. Ngoài ra, đáng lẽ chúng ta phải có quyền và bổn phận đóng góp vào việc xây dựng con người và xã hội trong mọi lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội, chính trị, nhưng các thứ quyền đó cũng như những quyền cơ bản nhất của con người đã bị tước đoạt, chỉ còn lại “quyền được rên”. Hậu quả là Giáo Hội bị giam lỏng trong nhà thờ: nhìn từ bên ngoài, đạo chỉ còn là một mớ nghi thức.
Hình ảnh biến dạng: Trong khi với những nhà thờ lộng lẫy, những cơ sở hoành tráng, những cuộc lễ linh đình, Giáo Hội thành một món đồ trang trí cho chế độ, một minh chứng hùng hồn để chế độ dựa vào đó mà khẳng định “có tự do tôn giáo”, thì cùng lúc Giáo Hội tuy là một tổ chức chặt chẽ nhưng xa lạ với người nghèo, lạnh lùng với các tôn giáo khác, thờ ơ với vận mạng dân tộc. Nói khác đi, hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo, của chính Chúa Ki-tô có nguy cơ bị biến dạng. Nếu khuôn mặt bầm dập của anh chị em đồng đạo của chúng ta khiến chúng ta nao lòng, thì khuôn mặt của đạo Công Giáo, của Giáo Hội Công Giáo, của chính Chúa Ki-tô bị biến dạng như tôi vừa nói, phải làm chúng ta lo lắng sợ hãi biết chừng nào. Chính vì vậy mà tối hôm nay chúng ta không chỉ cầu nguyện cho cộng đoàn tín hữu Tam Toà, nhưng chúng ta cầu nguyện cho cộng đoàn Hội Thánh Việt Nam ở mọi miền đất nước.
Từ mảnh đất đến con người: Tam Toà cũng như Thái Hà là những địa điểm có vấn đề đất đai của Giáo Hội Công Giáo bị tước đoạt cách bất công. Qua các buổi cầu nguyện, chúng ta dâng lên Thiên Chúa nguyện vọng tha thiết của chúng ta, để chúng ta có được không gian cần thiết cho sinh hoạt tôn giáo. Nhưng qua các buổi cầu nguyện đó, chúng ta còn muốn nói lên với nhà cầm quyền, với công luận, rằng chúng ta không chấp nhận mãi mãi bị đối xử bất công.
Và đến đây thì mục tiêu của chúng ta không dừng lại nơi vài ba thửa đất, nhưng hướng đến con người, đến hết mọi người đang sống trên dải đất Việt Nam đặc biệt là những người nghèo. Là vì chúng ta không sống trên cung trăng, không làm việc tông đồ trên sao hoả, nhưng chúng ta sống và hoạt động trên quê hương đất nước Việt Nam, giữa đồng bào Việt Nam. Là tín hữu Chúa Ki-tô, chúng ta muốn sống Tin Mừng, muốn chia sẻ Tin Mừng với những anh chị em máu đỏ da vàng như chúng ta. Và do đó, khát vọng của mỗi người Việt Nam, khát vọng độc lập, khát vọng tự do, khát vọng dân chủ, khát vọng công lý, những khát vọng chính đáng đó của Dân tộc cũng phải là của cộng đồng tín hữu chúng ta. Những khát vọng chính đáng và mạnh mẽ đó, chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa là Đấng làm Chủ lịch sử, là Đấng chúng ta yêu mến tôn thờ.
Một ước nguyện: Để khát vọng của chúng ta được mọi người chia sẻ, để tiếng nói của chúng ta có khả năng vang vọng ra xa, cần thiết phải có sự đồng tâm nhất trí ngay trong chính nội bộ của chúng ta. Cứ xem những gì mới diễn ra tại 178 nhà thờ của giáo phận Vinh ngày Chúa nhật vừa qua chúng ta cũng thấy được sức mạnh của lòng tin. Nếu không phải chỉ có giáo phận Vinh, nhưng tất cả các giáo phận cùng có chung một ước nguyện, một ý chí, một nỗ lực xây dựng công lý và hoà bình, thì đóng góp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho quê hương, cho dân tộc sẽ to lớn biết chừng nào. Và để đạt mục tiêu đó trong thánh lễ này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các vị lãnh đạo tinh thần, cho các vị mục tử thân yêu của chúng ta.
Cầu cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh Việt Nam: Như bất cứ ai trong chúng ta, các ngài cũng là những con người mỏng giòn yếu đuối, nên cần có ơn Chúa phù trợ. Vì vậy, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa cho Giáo Hội Việt Nam không phải trải qua kinh nghiệm đau thương của Giáo Hội Ba Lan, nơi mà một vị giám mục, đức cha Stanislaw Wielgus, chỉ một khoảnh khắc trước khi cử hành lễ nhậm chức Tổng Giám mục Vácsava, đã bị đức giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI yêu cầu từ chức, vì trước đó đức cha Wielgus đã bị phát hiện làm điểm chỉ viên cho mật vụ thời cộng sản. Điều chúng ta phải cầu xin Chúa là cho các giám mục của chúng ta đích thực là những mục tử, noi gương vị Mục Tử nhân lành, dám hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Đến đây tôi liên tưởng đến lời thánh Âu-tinh: khi nói đến linh mục, ngài đã than phiền rằng: “Linh mục thì nhiều, mục tử chẳng có bao nhiêu.” Nếu điều này cũng đúng cho giám mục, thì bất hạnh cho Dân Chúa biết chừng nào.
Chúng ta cũng phải cầu xin cho tinh thần của Công Đồng Va-ti-ca-nô II đi vào trong cơ cấu, đi vào trong đời sống của Hội Thánh Việt Nam. Chẳng hạn chúng ta có Uỷ Ban Truyền Thông Xã Hội, nhưng khi xảy ra các sự kiện như Thái Hà hay Tam Toà, xem ra Uỷ Ban đó chỉ là một cỗ máy trùm mền mà thôi. Còn một Uỷ Ban lẽ ra phải có mà đến giờ này chưa có, đó là Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình. Có được Uỷ Ban đó, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ có điều kiện góp phần chống tham nhũng, giảm thiểu các vụ án oan sai, trợ giúp người dân oan mỏi mòn đi tìm công lý.
Cuối cùng chúng ta phải cầu xin cho các giám mục chúng ta luôn đồng tâm nhất trí khi làm chuyện phải làm. Chúng ta đã được nghe đức cha Cao Đình Thuyên nói: “Việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh.” Giá mà chúng ta được nghe “Việc của Thái Hà cũng là việc của Bùi Chu, của Huế, của Xuân Lộc, của Sài Gòn, v.v… thì Giáo Hội Công Giáo sẽ có một tiếng nói mạnh mẽ biết chừng nào, khi đó chúng ta sẽ có những đóng góp vô cùng to lớn. Không phải chỉ để lấy lại dăm ba khu đất, nhưng góp phần tái lập công lý và kiến tạo hoà bình trên đất nước chúng ta, cho Dân Tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Còn nếu đồng tâm nhất trí để khỏi làm những chuyện đáng lẽ ra phải làm, thì không nên đồng tâm nhất trí, không được đồng tâm nhất trí. Trong một vụ dầu sôi lửa bỏng như vụ Tam Toà, ta đã thấy biết bao nhiêu tín hữu xa gần đều lên tiếng hiệp thông, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, vậy mà ở trong nước trong số hơn 30 vị giám mục, không có bất cứ một vị nào lên tiếng, thì đây quả là chuyện không bình thường. Trong trường hợp này điều chúng ta phải cầu xin Chúa là cho các giám mục của chúng ta chấp nhận nguyên tắc khác biệt trong đa dạng.
Kết luận: Chẳng biết tôi đang chia sẻ với anh chị em hay là tôi đang mơ. Nhưng tôi nghĩ trong tư cách người tín hữu, đứng trước mặt Chúa mà mơ, đứng giữa cộng đoàn mà mơ, thì giấc mơ của tôi đã là một lời cầu nguyện rồi. Vậy thì xin được cùng với anh chị em dâng lên Thiên Chúa những ước mơ tha thiết của tôi như một lời cầu nguyện.
Nhà thờ DCCT 38 Kỳ Đồng, ngày 09.08.2009,
Lm. Pascal NGUYỄN NGỌC TỈNH, OFM
Phản ứng của người Việt hải ngoại về vụ Tam Tòa
Việc đưa lực lượng công an hùng hậu đến trấn áp, bắt bớ, gây thương tích các vị lãnh đạo tinh thần và giáo dân địa phận Tam Toà đã được giới truyền thông tường thuật liên tục từ suốt tuần qua. Trong phần tin tức và phóng sự gởi đến quý vị trong các buổi phát thanh trước, Ban Việt Ngữ chúng tôi có trình bày chi tiết về sự kiện đang gây chú ý cùng tiếng vang khắp thế giới. Sau đây, xin mời quý vị theo dõi phản ứng, góp ý và nhận định từ một số người Việt hải ngoại, do Đỗ Hiếu ghi nhận.
Từ Australia, Tiến sĩ Võ Thanh Liêm nhấn mạnh, hành động đàn áp bằng võ lực tại giáo xứ này là điều không thể chấp nhận được, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải chấm dứt ngay điều vô lý đó:
“Rất là bất bình và tôi cảm thấy rất là sốc khi một người giáo dân đi tới một khu vực mà theo truyền thống người ta có nhà thờ để người ta cầu nguyện, và những người có trách nhiệm để bảo vệ nhân dân mà lại tới đó để hành hung là chuyện không thể chấp nhận được, và tôi hoàn toàn ủng hộ nhân dân ở Tam tòa và cộng đồng công giáo Việt nam, những cộng đồng đã từng chịu trong quá khứ rất nhiều sự đàn áp mà họ vẫn vươn lên và họ là một cộng đồng rất là tốt của dân tộc Việt Nam. Không thể nào đối xử với người ta một cách rất là tàn bạo như thế được. Mà hơn nữa, tôi có lời nhắn nhủ với những người đã xúc phạm tới danh dự, phẩm giá và đã đánh đập người ta tàn nhẫn như thế này, đây là một cái cộng đồng công giáo, Thiên chúa giáo, một cái đạo rất là lớn của thế giới, thành ra tôi nghĩ là phía cầm quyền nên ngừng tay, không nên tiếp tục đàn áp người ta như thế nữa.”
Cô Thanh Thảo, một người sinh hoạt về truyền thông tại Pháp cho là, bất cứ một cuộc tập họp đông người nào, dù đó là thành phần tôn giáo ôn hoà cũng gây ít nhiều quan ngại cho chánh quyền, cho nên họ phải tìm cách trấn áp, bất chấp sự lên tiếng của quốc tế:
“Trước những bất mãn của người dân hiện nay thì bất cứ một hành động nào mà gọi là tụ tập của người dân thì nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đều cố gắng tìm cách để mà dập tắt, hơn nữa đây là một lực lượng tôn giáo mà các giáo dân công giáo là những người mà không thể nào dừng bước khi mà đạo bị tấn công hoặc là những người giáo dân bị đánh đập, thành ra tôi nghĩ là nhà cầm quyền đảng cộng sản Việt Nam, sau cái vấn đề của Thái Hà, sau cái vấn đề của tòa tổng giám mục ở ngoài Hà Nội thì ngày hôm nay, trước sự tập hợp của đồng bào giáo dân ở Vinh thì họ rất là sợ. Nhất là theo tôi biết ở Vinh là một giáo phận đứng hàng thứ ba của nước Việt Nam thì tôi nghĩ là họ rất là sợ và họ muốn sử dụng cái đòn phép mà gọi là dùng bạo hành càng sớm càng tốt, mặc cho thế giới lên tiếng phản đối như thế nào, họ đã đến lúc gọi là điên cuồng rồi.”
Ông Đỗ Văn Bùi, thành viên cộng đồng Việt Nam tại Hà Lan giải thích rằng, Hà Nội lâu nay vẫn thường đụng chạm đến các tôn giáo, nhưng theo ông thì lần này, qua sự việc xảy ra ở Vinh, họ đã đi quá trớn. Tuy nhiên đây là một dấu hiệu phấn khởi đối với cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo nơi quê nhà:
“Có lẽ là, tôi nghĩ đến cái giai đoạn chót rồi đấy anh, tức là bây giờ Cộng Sản Việt Nam họ đã đụng mạnh đến các tôn giáo, họ đã đụng đến các tôn giáo rất lâu rồi nhưng mà có lẽ là tôn giáo đó là Thiên Chúa Giáo, thì kỳ này họ đụng tương đối là rất là mạnh và họ đã đánh mấy ông linh mục bị thương nữa, với lại tôi thấy cái sự đoàn kết của giáo phận Vinh, phải không ạ. Riêng tôi là người công giáo tôi thấy hết sức phấn khởi tại vì mình thấy là bây giờ đã công lên lực đẩy tương đối là mạnh trong hàng ngũ linh mục, cũng như giáo mục và giáo dân ở cái địa phận đó mà họ đoàn kết với nhau thì với riêng tôi, tôi cảm thấy điều đó là điều rất là tốt và rất là phấn khởi.”
Cách hành xử của chính quyền?Từ thủ đô Bruxelles, vương quốc Bỉ, luật sư Lê Thị Tuyết Nga nói, mượn tay công an, xã hội đen đàn áp, hành hung các vị linh mục cùng giáo dân là hành vi đáng lên án, đồng thời cũng cho thấy là quyền lực của Hà Nội suy giảm, trước nguyện vọng tự do, dân chủ của người dân:
“Thêm một lần nữa tại nhà thờ Tam Tòa, Việt Nam cho công an dùng thái độ du côn, dùng ngay những tên du côn, những kẻ bại hoại trong xã hội mà đáng lẽ công an có nhiệm vụ bài trừ, để đánh đập tàn nhẫn nhân dân từ nhà tu hành cho tới đàn bà, trẻ con. Sự xấu xa này của chính quyền không có lời gì để diễn tả hết được. Nếu chính quyền Việt Nam đã sử dụng thái độ côn đồ, bọn côn đồ để đối phó với nhân dân thì tại nơi đây, nói có luật pháp thì thật là mỉa mai, buồn cười. Nhưng trên khía cạnh nào đó, điều này cũng cho thấy quyền lực của những người cai trị Việt Nam đã suy giảm rất nhiều, họ phải dùng đến hạ sách đó, có nghĩa là, ngày mà họ nhường chỗ cho những người thật sự yêu nước, yêu dân để xây dựng lại Việt Nam đã đến gần.”
Một tù nhân lương tâm, từng bị toà án xử hai năm tù, khi về nước đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, từ Texas, ông Nguyễn Tấn Trí phát biểu rằng, chuyện xảy ra tại Tam Toà cho thấy sự lúng túng, khó xử trí dẫn tới hành động giải toả bằng sức mạnh. Tuy nhiên, có thể đây là một cơ hội, một dịp may cho phong trào đòi tự do tôn giáo ở Việt Nam:
“Đối với sự việc này thì đầu tiên chúng tôi nghĩ là cộng sản Việt Nam đang ở cái thế rất yếu. Cái thế yếu đó họ lúng túng, họ không biết xử trí cách nào với mọi việc cho nó ổn thỏa. Họ bị áp lực từ nhiều phía, kể cả từ phía dân chúng ở trong nước. Chúng tôi nghĩ rằng do những cái áp lực đó mà những lực lượng đối kháng họ phải cố gắng họ triệt tiêu, bởi vì họ sợ rằng những lực lượng đó sẽ lớn lên và trong cái thế yếu đó của họ đó, thì họ có thể bị lật đổ hay là bị những cái khó khăn nào đó. Cho nên, theo tôi thấy đó thì cái phản ứng của họ trong lúc này, biểu lộ ra ở cái thế mà họ đang bị động rất là nhiều, và họ đang bị rất nhiều các áp lực từ các phía. Kết luận cho tôi thấy rằng, với cái tình hình hiện giờ.
Cái phản ứng của dân chúng có thể sẽ bộc phát rất là mạnh mẽ, nhất là trong cái vụ mà Tam Tòa vừa qua, thì Cộng sản Việt Nam có thể sẽ bị những phản ứng rất là mạnh mẽ về phía công giáo cũng như về dân chúng. Thành ra trong trường hợp này thì chúng tôi thấy là Cộng sản Việt Nam đang ở những cái rất là khó khăn và nếu mà các cái nhà tranh đấu trong cái thời buổi hiện tại bây giờ mà lợi dụng ở những cái tình thế này để mà đẩy mạnh những hoạt động ở trong nước, thì tôi nghĩ là tình hình sẽ có thể có những cái biến chuyển to lớn hơn nữa.”
Một người thường xuyên theo dõi thời cuộc Việt Nam, hiện định cư tại Đan Mạch, ông Trần Viết Khoái ủng hộ đề nghị đưa Hà Nội trở lại danh sách CPC:
“Đưa nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội trở lại danh sách cần được quan tâm. Cái này chúng tôi đã tán đồng yêu cầu đưa cộng sản trở lại danh sách cần được quan tâm đặc biệt. Đấy là cái điểm thứ nhất chúng tôi xin tán đồng với quý vị cũng như là mọi người về cái đó.Cộng sản vẫn nguyên cái bản chất của họ, họ tráo trở, lừa gạt, không có một cái tiến bộ nào hết, mặc dù phía tự do, hay đúng ra phía chính phủ Mỹ đã nhìn họ với một con mắt quá lạc quan và về cái việc cụ thể là việc đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền, thì tôi có cảm tưởng là cái mức đàn áp ngày càng trầm trọng thêm. Và cái sự vi phạm nhân quyền cũng vậy, những vụ bắt bớ các nhà báo, những người lên tiếng, dù là đối lập trong một tinh thần ôn hòa nhưng chủ trương nó rất rõ ràng là bất bạo động thì Cộng sản vẫn diệt mạnh tay. Cho nên theo tôi là không có nghi ngờ gì sự việc này, vì vậy mà tôi tán đồng cái lập trường là yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ đưa chế độ cộng sản trở lại danh sách cần quan tâm một cách đặc biệt.”
Khi đề cập đến diễn biến xảy ra ở Tam Toà, báo Quân Đội Nhân Dân, số ra hôm thứ tư 29 tháng 7, 2009 nói, trước những hành vi sai phạm pháp luật của một số công dân theo đạo Thiên Chúa tại khuôn viên chứng tích chiến tranh tháp chuông Tam Toà, Đồng Hới, Quảng Bình, chánh quyền và lực luợng an ninh đã có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.
Báo The Wall Street Journal xuất bản tại Hoa Kỳ hôm 27 tháng 7, cho hay con số giáo dân tham gia biểu tình tới hàng trăm ngàn người dưới sự hướng dẫn của 170 linh mục và 420 nữ tu, cuộc đụng độ giữa giáo dân và công an tại Tam Tòa đã xảy ra, có hai linh mục bị thương nghiêm trọng.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2009-07-31
Cộng Đồng Người Việt Vùng Tây Bắc họp mặt, biểu tình hiệp thông cùng giáo xứ Tam Tòa
TACOMA, WA - Đáp lại thư mời kêu gọi của Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Tacoma & Pierce County, hơn cả trăm đồng hương đại diện cho các tổ chức hội đoàn, thân hào nhân sĩ đã hiện diện tham gia buổi họp mặt tố cáo tội ác đàn áp tôn giáo của bạo quyền CSVN, đồng thời lên tiếng hỗ trợ cho đồng bào Công Giáo Giáo Xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình đang bị chính quyền CSVN bức hại. Cuôc họp mặt hiệp thông và biểu tình tuần hành được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng ngày 8 tháng 8 2009 tại bãi đậu xe trước văn phòng Bác Sĩ Nguyễn Xuân Dũng, cũng là văn phòng Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Tacoma và Pierce County, địa điểm có đôi cột cờ Việt Mỹ cao vút, lộng gió ngày đêm tại thành phố Tacoma.
Mặc dầu là ngày cuối tuần lại vào sáng sớm, nhưng nhiều đồng hương từ tận thành phố Seattle phía bắc như các ông cựu ĐT Hứa Yến Lến, Phan Rang, Nguyễn Trọng Nghị, Nghiêm Hòa, Bùi Đức Ly, Đổ Thành Trung, Lê Quyết Thắng, Tôn Thất Hồng ... hay từ thủ phủ Olympia phía nam có các ông Tân Thục Đức ....đã không quản ngại đường xa có mặt từ sáng sớm kết hợp cùng đông đảo đồng hương tại điạ phương. Đại diện các cơ quan truyền thông tại địa phương như Phương Đông, Người Việt Tây Bắc, Việt Báo Miền Nam, Người Viêt Ngày Nay cũng hiện diện trong buổi lễ. Đặc biệt xen lẫn trong hàng ghế quan khách có mặt tham dự cón có các vị dân cử và viên chức Mỹ tại địa phương là bà Jan Shabro, Auditor và ông Dick Muri, nghị viên quận hạt Pierce County.
Quang cảnh tại hiện trường, ngay dưới chân cột cờ là hai biểu ngữ vàng kẻ chữ đỏ to lớn " Đả đảo cộng sản Việt Nam đàn áp giáo dân Tam Tòa", " Nhiệt liệt ủng hộ tinh thần giáo xứ Tam Tòa"; chạy dọc tiếp nối theo hàng cờ Vàng Ba Sọc Đỏ từ bờ tường của khu nhà, cách bày trí đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Sau nghi thức chào cờ mặt niệm được điều họp bởi ông Lê Trọng Diệp, Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tacoma & Pierce County qua bài diễn văn khai mạc đã tuyên đọc lý do buổi lễ, đồng thời lên án hành động vô nhân của CS Hà Nội thể hiện lần nữa qua hành động đàn áp dã man Giáo Xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình.
Tiết mục đáng ghi nhận tiếp theo, khi hai diễn giả Mỹ bà Jan Shabro và ông Dick Muri bằng sự trải nghiệm cá nhân cho thấy sự vô nhân tính của các chế độ độc tài toàn trị cộng sản, chia xẻ và đồng cảm với cộng đồng Việt Nam tại điạ phuơng, cực lực lên án chính sách đàn áp tôn giáo hiện nay của bạo quyền CSVN, và cam kết sát cánh cũng như ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ và các quyền căn bản cho đồng bào quốc nội nói chung và Giáo Dân Tam Tòa nói riêng, của cộng đồng Việt Nam tại Tacoma quận hạt Pierce.
Tiếp theo chương trình là các bài phát biểu của đại diện đoàn thể và thân hào nhân sĩ trong khu vực như của cựu ĐT Hứa Yến Lến, Ông Phan Rang - Đại Việt cách Mạng Đảng, Ông Lê Quyết Thắng- Đại Diện Đảng Dân Tộc, Ông Võ Lê Thành Đông- Báo Phương Đông.....nội dung các bài phát biểu lên án mạnh mẽ hành động đàn áp dã man của nhà cầm quyền CSVN đối với Linh Mục và Giáo Xứ Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh, đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Cộng phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho các giáo dân vô cớ bị hành hung vẫn cọn bị giam giữ, đồng thời bày tỏ việc yểm trợ tinh thần và hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Xứ Tam Tòa.
Cử tọa và quan khách tham dự đã đặc biệt xúc động trong bài phát biểu của em Quỳnh An, một thiếu nữ trạc vừa đôi chín, như đại diện cho tiếng nói chung của những người trẻ tuổi trong khu vục còn quan tâm đến hiện tình đất nước, quê hương. Bằng giọng nữ trong, dịu dàng em trình bày với đồng hương hiện diện :" Giáo Xự Tam Tòa là một Giáo Xứ lâu đời. Nơi đây nhiều văn sĩ, trí thức, và nhiếu người nổi tiếng đã sinh ra và được chịu phép rửa tội như nhà thơ Hàn Mặc Tử... Trong những ngày qua, nhà cầm quyền Quảng Bình ngang nhiêm chiếm đoạt khu đất toàn bộ khuôn viên nhà thờ và các cơ sở mục vụ nhằm mục đích triệt hạ Công Giáo nơi đây ....Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh đã có các buổi làm việc để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại cho giáo dân để có nơi tiến hành phụng tự, bởi không thể ngang nhiên chiếm đất của nhà thờ để làm một việc là ghi nhận mối hận thù không phù hợp với đường lối " đem yêu thương vào nơi oán thù" của người Công Giáo. Nhưng họ vẫn hứa hẹn lần này đến lần khác bằng đủ mọi lý do, thậm chí họ còn kêu gọi công an và công an trá hình du đãng đến chửi bới, đánh đập dã măn. Nhưng người dân ở đây vẫn một lòng quyết tâm tranh đấu bằng lý lẽ, kêu gào và nước mắt nhưng tất cả chỉ là con số 0. Chúng ta hãy thách thức nhà câm quyền CSVN, nếu có gan thì hãy đấu tranh đòi lại Trường Sa và Hoàng sa, đó là đất tổ tiên của người Việt chúng ta.
Chúng con rất bàng hoàng cho những gì đang xảy ra đến tại Giáo Xứ Tam Tòa. Tất cả những gì chúng con biết về hành động của họ từ ông bà, báo chí, và internet đã phần nào cho chúng con hiểu được thế nào là chế độ cộng sản và tất cả những gì con người đã chịu đựng. Và như tiếng nói của thế hệ trẻ, chúng con nghĩ chúng ta hãy đứng lên đấu tranh, đòi lại công bằng và lẽ phải. Chúng ta nên đánh động lương tâm thế giới hiểu rõ hơn thế nào là Cộng Sản Phi Nhân."
Ban tổ chức cùng toàn thể quan khách tham dự đã đồng thanh ra đưa ra một tuyên cáo nhằm phản đối nhà cầm quyền CSVN và tố cáo hành động vô nhân đàn áp giáo xứ Tam Tòa trươc công luận thế giới
Buổi lễ được tiếp nối qua cuộc tuần hành kèm theo biểu ngữ hòa cùng các khẩu hiệu được đoàn biểu tình hô to vang dội khắp khu phố, dọc một đoạn trên đường 38, nơi có rất đông người Việt cự ngụ và sinh hoạt thương mại. Ðược biết các cộng đồng người Việt khắp hải ngoại đang tổ chức những buổi cầu nguyện hiệp thông tương tự để ủng hộ tinh thần giáo xứ Tam Tòa.
Buổi Lễ Hiệp Thông với giáo xứ Tam Tòa và tuần hành tố cáo tội ác CSVN do Cộng Đồng Việt Nam Tacoma và Pierce County tổ chức đã kết thúc vào gần 12 giờ trưa cùng ngày.
Phạm Xuân Hùng
Địa chỉ tin tức trên ▼
http://dcctvn.net/news.php?id=4773
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reaction-of-the-Vietnamese-abroad-about-the-brutal-beatings-and-arrests-at-TamToa-DHieu-07312009103817.html
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090810_01.htm
Đọc giả thích xem tin tức mới cập nhật mỗi ngày, hoặc nghe đọc tài liệu tham khảo, xin hãy nhấn vào websites dưới đây ▼
www.huyenthoai.org
Quí vị ở VN muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website dưới đây, sau đó đánh địa chỉ trang mạng nào bạn muốn tìm sẽ vô được một cách dễ dàng!
www.anonymouse.org/anonwww.html
www.anonymouse.org/anonwww.html
Khi đã mở Web vượt tường lửa ra xong, các bạn hãy copy website nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ Website vào cái khung nhỏ nằm trong hàng chữ màu đen đậm giống dưới đây ▼
Enter website address:
Ví dụ: ► www.rfa.org/vietnamese
Quí vị ở VN muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website dưới đây, sau đó đánh địa chỉ trang mạng nào bạn muốn tìm sẽ vô được một cách dễ dàng!
www.anonymouse.org/anonwww.html
www.anonymouse.org/anonwww.html
Khi đã mở Web vượt tường lửa ra xong, các bạn hãy copy website nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ Website vào cái khung nhỏ nằm trong hàng chữ màu đen đậm giống dưới đây ▼
Enter website address:
Ví dụ: ► www.rfa.org/vietnamese
Kế tiếp nhấn hàng chữ nằm bên tay phải giống như dưới đây
▼
Suft Anonymously
Ghi Chú: Khi đến cuối trang, quí vị thích xem tiếp thì hãy nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ ở dưới ▼ Newer Post, Home, Older Posts