17 April, 2012

Video & Cuộc chạy trốn khỏi địa ngục

Telecommunication * Quý Vị hãy nhấn vô Link chữ màu xanh dưới đây sẽ dễ dàng nghe Paltalk Online - Vượt Tường Lửa & Nghe Radio trên Internet ▼
http://conghoaxahoichunghiavietnam.blogspot.com/2011/08/nghe-paltalk-online-vuot-tuong-lua-nghe.html
Cô Eunsun Kim, ảnh chụp tháng 03 năm 2012 Cô Eunsun Kim và nhà báo Sebastien Falletti, phóng viên báo Le Figaro của Pháp, ảnh chụp trước đây tại Paris.

Vào hồi đầu tháng 3 vừa qua, một nhà xuất bản tại Pháp đã cho ra mắt cuốn hồi ký của một cô gái Bắc Hàn, kể về cuộc trốn chạy kéo dài gần 10 năm của gia đình cô khỏi Bắc Hàn.

* Sau 15 giây nếu như quý vị vẫn không nghe - thấy Video - Audio thì xin các bạn hãy nhấn F5 (Chữ F5 nằm trên đầu của bàn phím, hoặc nhấn Refresh ở trên màn ảnh Computer


Cuốn hồi ký ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của độc giả khắp nơi bởi những gian truân, khổ cực tưởng như đến tột cùng mà cô và gia đình đã phải chịu đựng để có thể thoát khỏi nơi mà cô gọi là ‘địa ngục’. Trong trang tạp chí phụ nữ tuần này, Việt Hà xin gửi tới quý vị những lời tâm sự của tác giả cuốn hồi ký, cô Eunsun Kim.

Lập di chúc khi 12 tuổi

Cuốn hồi ký có tựa ‘Bắc Hàn, 9 năm trốn chạy khỏi địa ngục’ được bắt đầu với bản di chúc của Eunsun Kim, lúc đó mới 12 tuổi. Cô viết di chúc bởi cô nghĩ mình sắp chết. Eunsun Kim nhớ lại:

“Tôi đã viết di chúc khi mẹ và chị gái tôi đi kiếm thức ăn xa. Họ đến khu Najin-Sunbong để kiếm thức ăn cho gia đình và họ đi đã 4 ngày mà vẫn chưa thấy trở về. Trong suốt 4 ngày đó tôi chỉ có thể mua được một miếng đậu phụ nhỏ để ăn và sau đó thì không còn gì để ăn được nữa. Tôi đói khủng khiếp và tôi đã nghĩ là tôi sẽ chết.”

Sau 4 ngày, mẹ và chị của Eunsun Kim trở về hoàn toàn tay trắng. Họ đói và vô vọng. Cũng từ đó, Eunsun Kim cùng gia đình bắt đầu cuộc hành trình đi tìm sự sống kéo dài gần 10 năm của mình, trốn chạy khỏi quê hương, nơi mà cô gọi là địa ngục.

Đầu tiên, gia đình Eunsun Kim không có ý định trốn khỏi Bắc Hàn. Họ chỉ muốn tìm đến một nơi mà họ có thể kiếm được cái ăn để sống. Gia đình Eunsun Kim quyết định rời bỏ thị trấn của mình là Euduck để đến Najin-Sunbong bởi đó là khu kinh tế mở với Trung Quốc và gần biển, do vậy việc kiếm cái ăn có thể dễ dàng hơn. Nhưng ngay cả khi đã đến thành phố mới, nơi cái ăn tưởng chừng như dễ kiếm hơn, Eunsun Kim và gia đình cũng phải chật vật sống. Họ phải ăn xin, và thậm chí ăn trộm.

“Chúng tôi không có tiền để sống và vì thế chúng tôi bắt đầu bằng cách xin ăn. Chúng tôi đến từng nhà để xin ăn. Việc xin ăn đó đã kéo dài suốt một năm. Có những lúc chúng tôi phải ăn trộm thực phẩm và bán lại cho các chợ để sống. Những lúc khác chúng tôi phải đốn củi để bán kiếm sống qua ngày.”

Những điều khủng khiếp

Eunsun Kim nói gia đình cô đã tìm mọi cách để kiếm cái ăn qua ngày nhưng đến một lúc họ không thể kiếm nổi và họ phải tìm cách ra đi. Họ ra đi để thoát khỏi cái đói mà không biết chính xác mình sẽ đến đâu.

Cuốn hồi ký của Eunsun Kim kể về những lần trốn chạy của gia đình cô khỏi Bắc Hàn. Họ đã tìm cách trốn khỏi Bắc Hàn 3 lần trước khi thành công cập bến Nam Hàn.

Ngay trước khi gia đình cô tìm cách trốn khỏi Bắc Hàn, cha của Eunsun Kim đã qua đời vì suy dĩnh dưỡng, và không được điều trị. Mẹ của Eunsun Kim đã phải vay gạo để làm đám tang cho chồng. Đến tận bây giờ, cô cũng không thể quên được những gì cô chứng kiến trong đám tang của cha. Cái đói đã khiến ngay cả người đi dự đám tang cũng phải ăn cắp.

“Trong đám tang của cha tôi, người bạn thân nhất của ông đến để dự đám tang tại nhà tôi. Khi chúng tôi chuẩn bị đám tang, chúng tôi có làm một chút đồ ăn và ông ấy giúp chúng tôi đưa đồ ăn cho mọi người. Nhưng ông ấy quá đói, ông ấy đã lấy cắp đồ ăn. Tôi hiểu vì sao ông ấy làm thế, đó là vì đất nước tôi không còn gì để ăn. Đất nước Bắc Hàn khốn cùng đã khiến cha tôi phải chết.”

Năm 1999, Eunsun Kim cùng mẹ và chị gái đã vượt sông Tuman để sang Trung Quốc. Họ chọn mùa đông lạnh giá để vượt biên vì vào mùa này, nước sông đóng băng, họ có thể qua được sông dễ dàng.

Sang đến Trung Quốc, mẹ của Eunsun Kim bị bán gả cho một người đàn ông Trung Quốc và họ sống trong cảnh khổ cực ở một vùng hẻo lánh của Trung Quốc trong suốt 3 năm

“Chúng tôi sống ở Trung Quốc, nhà của chúng tôi ở nông thôn. Cuộc sống nông thôn rất khó khăn bởi xe buýt không đến được đó. Chúng tôi tự trồng rau để sống và chúng tôi rất nghèo. Mẹ tôi lấy một người đàn ông Trung Quốc và sinh một người con cho ông ta.”

Sau ba năm, gia đình cô bị bắt và trao trả lại cho Bắc Hàn. Trở lại Bắc Hàn, gia đình cô bị bắt vào trại cưỡng bức lao động. Họ bị trừng phạt vì đã tìm cách trốn khỏi quê hương. Cuộc sống cực nhọc trong trại cưỡng bức lao động đã khiến mẹ của Eunsun Kim quỵ xuống.

“Chúng tôi vào trại lao động cưỡng bức ở Bắc Hàn. Mẹ tôi bị bắt phải lao động hết sức vất vả, và điều này thật quá sức mẹ vì bà vừa sinh em bé. Bà không thể ăn được gì vì ốm đau. Không ai quan tâm chăm sóc đến bà khi bà đau đớn. Cảnh sát ở trại cứ bắt mẹ phải làm nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Và cuối cùng thì mẹ tôi gục xuống khi đang lao động trong trại. Bà phải vào khu chăm sóc đặc biệt.”


Luôn nghĩ về Bắc Hàn

Sau khi ở trong trại 2 tháng, Eusun Kim cùng mẹ và chị gái lại trốn khỏi Bắc Hàn lần nữa và sang Trung Quốc. Để trốn khỏi cảnh sát an ninh ở Trung Quốc, luôn lùng tìm những người Bắc Hàn tị nạn, gia đình Eunsun Kim đã phải chia nhỏ, mỗi người đi một hướng để kiếm ăn. Họ phải sống trong nỗi lo thường trực sẽ bị bắt và đưa trở lại Bắc Hàn bất cứ lúc nào.

Gia đình Eusun Kim sau đó đã được một người môi giới giúp đỡ, rời Trung Quốc, họ sang Mông cổ, vượt qua sa mạc Gobi và cuối cùng vào được Nam Hàn. Cuộc hành trình của họ cuối cùng đã kết thúc sau 9 năm gian khó.

Bây giờ, Eunsun Kim đã là cô gái 26 tuổi và đang theo học tại trường đại học Sogang ở Seoul. Cô học chuyên về tiếng Trung Quốc và tâm lý học. Cuốn hồi ký của cô được viết với sự giúp đỡ của nhà báo Sebastien Falletti, phóng viên báo Le Figaro của Pháp. Khi được hỏi tại sao cô lại quyết định viết cuốn hồi ký vào lúc này, Eunsun Kim cho biết:

“Lúc đầu tiên mới đến đây tôi cũng không có nhiều hoạt động gì liên quan đến Bắc Hàn bởi tôi còn đang học trung học ở Nam Hàn. Tôi không có cơ hội gặp những người bạn Bắc Hàn nhiều như bây giờ. Khi tôi theo học đại học, tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ những người Bắc Hàn trốn chạy giống tôi và họ làm tôi nghĩ về những người Bắc Hàn đã và đang trốn chạy khác. Và tôi nhớ lại cuộc sống khủng khiếp của mình tại Bắc Hàn. Vì thế tôi quyết định viết câu chuyện của mình.

Tôi chỉ muốn có nhiều người biết được những điều khủng khiếp đang xảy ra tại Bắc Hàn.”


Cô quyết định đặt tên cuốn hồi ký của mình là 9 năm trốn chạy khỏi địa ngục bởi cô cho rằng cuộc sống ở đó không khác gì địa ngục và cô hy vọng với tựa như vậy, cuốn sách sẽ thu hút được sự chú ý đúng mức từ những người có quan tâm.

Giờ đây là một cô gái xinh đẹp và hạnh phúc, được sống tại một đất nước tự do, Eunsun Kim nói rằng cô muốn làm được một điều gì đó cho những người dân Bắc Hàn tị nạn. Cô muốn giúp họ thực hiện được những ước mơ của mình. Cũng chính vì vậy mà cô đã chọn theo học ngành tâm lý học. Cô có dự định sẽ trở thành một bác sĩ tâm lý cho trẻ em trong tương lai.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà xin chào tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào tuần tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/ViethaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Việt Hà, phóng viên RFA, Bangkok

2012-04-10

* Nguồn tin trên ở Link chữ màu xanh nầy: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/9-year-escape-fr-hell-vh-04102012175225.html
Special News * Xem tiếp, xin hãy nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ: Newer Post, Home, Older Posts

Blog Archive