Video: Đọc báo Vẹm số 279 & RSF lên án chính quyền Việt Nam về vụ tự thiêu của mẹ blogger Tạ Phong Tần
Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần - thứ ba từ trái qua. Ảnh chụp hồi đầu năm 2012 (Nguồn: http://chuacuuthe.com/
Sau vụ bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần, qua đời do đã tự thiêu trước trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, tổ chức Phóng viên không biên giới - RSF - đã chia buồn, bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng có thể tránh được thảm kịch này nếu chính quyền Việt Nam không có thái độ cố chấp.
Hôm qua, 30/07/2012, bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần, đã tự thiêu trước trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Vụ tự thiêu xảy ra trước khi diễn ra phiên xử chị Tạ Phong Tần cùng hai blogger khác là Phan Thanh Hải và Nguyễn Văn Hải ngày 07/08 tới với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».
Trong một thông cáo đưa ra ngày hôm qua, tổ chức Phóng viên không biên giới bày tỏ « nổi đau buồn sâu sắc và sự phẫn nộ » trước một thảm kịch, mà lẽ ra có thể tránh được nếu chính quyền không có thái độ cố chấp đến như thế.
Theo Phóng viên không biên giới, chính việc gia tăng đàn áp đã đẩy những người thân của các nhà bất đồng chính kiến đến những hành động tuyệt vọng. Tổ chức này yêu cầu chính quyền Việt Nam thông báo sớm nhất cho blogger Tạ Phong Tần về cái chết của mẹ chị và cho phép chị được dự đám tang mẹ. Phóng viên không biên giới cũng yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tạ Phong Tần cũng như hai blogger khác là Phan Thanh Hải ( Anhbasaigon ) và Nguyễn Văn Hải ( Điếu Cày) sau phiên xử dự kiến vào ngày 07/08.
Phóng viên không biên giới còn trích lời luật sư Hà Huy Sơn, người sẽ bào chữa cho blogger Điếu Cày, cho biết là phiên xử sắp tới sẽ là phiên xử kín, tức là không có sự tham gia của người làm chứng cũng như người thân của ba blogger. Điều này, theo Phóng viên không biên giới, là hoàn toàn trái với luật Tố tụng hình sự của Việt Nam.
Theo luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội, một nhà đấu tranh Công giáo, hành động tuyệt vọng của bà Đặng Thị Kim Liên một phần chính là do bà sợ sẽ không còn gặp được con nữa và cũng một phần là do bà đã rất bất mãn về thái độ của chính quyền địa phương ở Bạc Liêu.
Thanh Phương, RFI