10 September, 2011

Lại Chuyện Ông KỲ

Telecommunication * Quý Vị hãy nhấn vô Link chữ màu xanh dưới đây sẽ dễ dàng nghe Paltalk Online - Vượt Tường Lửa & Nghe Radio trên Internet ▼
http://conghoaxahoichunghiavietnam.blogspot.com/2011/08/nghe-paltalk-online-vuot-tuong-lua-nghe.html

Thật ra chuyện ông Kỳ cũ rồi, nhưng mới đây vào ngày 6/9/2011, con gái ông, cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên gửi một Email đến Linh Nguyễn đăng trên tờ Người Việt:

SANTA ANA (NV) -Ðịa điểm tổ chức lễ giỗ 49 ngày của cố Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã “bắt buộc phải thay đổi vì lễ cầu siêu dự định tổ chức vào Thứ Năm, ngày 8 Tháng Chín, tại chùa Huệ Quang, Santa Ana, đã bị chùa hủy bỏ.” Cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, thứ nữ của cố Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, nói với phóng viên báo Người Việt.

Cũng theo lời cô Kỳ Duyên, các người anh trong gia đình cô đã liên lạc với chùa Huệ Quang khoảng một tháng trước, đặt cọc $1,000, có biên lai của chùa, để yêu cầu tổ chức lễ cầu siêu và tiệc chay cho 200 người tham dự lễ giỗ 49 ngày của thân phụ cô.

Tuy nhiên, theo vị hòa thượng viện chủ chùa Huệ Quang, chùa phải từ chối vì không đủ nhân sự thực hiện.

“Lý do phải hủy bỏ lễ cầu siêu của bác Kỳ vì khóa tu học tại chùa trong dịp lễ Lao Ðộng đã kéo dài tới hôm Thứ Hai. Sau đó thì các thầy cô phải trở lại trường học hoặc đi làm. Chùa không có đủ nhân sự để làm lễ cầu siêu và lo thức ăn chay cho 200 người,” Hòa Thượng Thích Minh Mẫn xác nhận với nhật báo Người Việt.

Hòa thượng cũng cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị với anh Nguyễn Cao Ðạt, con trai của ông Nguyễn Cao Kỳ, rằng nếu gia đình làm ở chùa Tây Lai hay mướn hội trường công cộng nào đó, thầy sẽ làm lễ cầu siêu cho bác Kỳ. Ngày nào cũng được, không nhất thiết là phải đúng 49 ngày. Nhưng cho đến nay, gia đình chưa cho biết gì về ý kiến này.”

Trong một email gởi cho nhật báo Người Việt hôm Thứ Ba, cô Kỳ Duyên cho biết:

“Gia đình đã gởi email đưa tin và địa điểm đi khắp nơi mời những người thân cũng như đăng báo nhưng khoảng 10 ngày trước ngày lễ thì Thầy gọi cho gia đình và báo là Thầy không thể làm lễ... Thầy cancel lễ!?!?”

Qua email, cô Kỳ Duyên cũng cho biết:

“Khi KD gọi hỏi Thầy thì Thầy không đưa ra một lý do rõ rệt nào cả. Nói chuyện lòng vòng một lúc KD chỉ còn nhớ câu cuối của Thầy trước khi cúp phone là 'Thầy không làm lễ cho ông cụ là Thầy thấy tự hổ thẹn với lương tâm lắm rồi... nhưng 5 năm sau KD gọi lại nói chuyện với Thầy thì KD sẽ hiểu và thông cảm cho Thầy hơn.' Như vậy là sao?”

“Cái mà KD không thể hiểu được (và 5 năm sau hay 10 năm sau cũng sẽ không hiểu), là đây là một người đã qua đời. Ðâu phải là chính Bố KD bước vào chùa để xin lễ? Ðây là gia đình ông muốn xin cho ông một buổi lễ cầu siêu...” cô Kỳ Duyên viết tiếp.

Cô Kỳ Duyên nói thêm: “Không biết có một Phật tử nào trong chùa hay một thế lực nào đó trong cộng đồng làm áp lực nên thầy phải hủy bỏ. Tôi có cảm tưởng như một 'undercover mafia.'”

Hiện vẫn chưa biết lễ giỗ 49 ngày của cố Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ được tổ chức ở đâu. (Xin phép trích lại nguyên mẫu từ báo Người Việt)

Cô Kỳ Duyên ạ, theo tôi, nhà chùa “cancel” việc cầu siêu cho bố cô là nhà chùa có lỗi, lỗi ở chổ hứa mà không thi hành là lỗi thất hứa.

Nhưng việc cô nghĩ có một “ undercover mafia” trong Cộng đồng thì đúng là hổ phụ sinh hổ tử vì ngôn từ dao to búa lớn của cô không thua gì ông Kỳ bố cô!

Đáng lẽ sau mất mát vừa rồi, cô cần phải biết tĩnh tâm để xét nét, nhìn ra sự việc một cách bình tĩnh hơn. Đáng lẽ cô phải tự hỏi sao cuối đời cho đến khi bố cô qua đời “ Không nơi nào muốn nhận”? Tôi nghĩ, đáng lẽ cô phải biết vì sao vì ngay như Nhạc sĩ Lê Dinh hiền lành, vậy mà còn viết một bài bày tỏ sự suy nghĩ của ông về bố cô không chút kính trọng nào:

“Về chuyện Nguyễn Cao Kỳ cũng vậy. Vài kẻ lỡ "ăn cơm chúa phải múa tối ngày" dựa vào câu "nghĩa tử là nghĩa tận" để bảo thiên hạ thôi đừng nói gì đến NCK nữa, để lịch sử phán xét. Lịch sử là ai vậy? Chừng nào phán xét?

Tại sao xã hội không phán xét bây giờ, ngay bây giờ để lấy đó làm bài học dạy cho con cháu chúng ta cách sống ở đời, cư xử nhau cho phải phép, không đàng điếm, không lừa thầy, không phản bạn, không mạt sát đồng hương, không kích bác đồng đội, không khiếp nhuợc bợ đỡ kẻ thù, không hèn hạ tìm miếng đỉnh chung…”
( ngưng trích ).

Không biết cô Kỳ Duyên có đọc "Nhìn Lại Một Thập Niên" của ông Nguyễn Ngọc Ngạn chưa? Nếu chưa, cô hãy đọc vì có đoạn ông Ngạn chê trách loại người chẳng khác bố cô bao nhiêu:

“ Việt Cộng thường nhắc đến mấy chữ “ diễn biến hoà bình”, hiểu theo nghĩa, âm mưu lật đổ chế độ mà không cần súng đạn. Mấy chữ “ diễn biến hoà bình” đó là liều thuốc an thần thật êm ái để xoa tan mặc cảm phạm tội trong lòng một số người Việt hải ngoại.

Những người này về nước đầu tư, làm ăn với Việt cộng, hoặc chưa về, nhưng hô hào chủ trương hợp tác kinh tế. Ít nhiều gì trong lòng họ cũng cảm thấy ái náy, vì họ từng bỏ trốn chế độ. Bây giờ nghe Việt cộng nói về diễn biến hoà bình, những Việt kiều hợp tác này mừng quá, chộp ngay lấy mấy chữ đó tự gắn vào ngực mình để tự an ủi rằng:

Tôi về nước làm ăn không phải vì tư lợi mà để cứu nước, để lật đổ cộng sản bằng phương thức “ diễn biến hoà bình”.

Vừa được ăn, vừa được nói, vừa được gói đem về là như thế đấy! Họ cứ giả vờ quên đi sự thật rằng: Họ về là do chính Việt cộng cho phép, nghĩa là Việt cộng hoàn toàn chủ động trong việc chấp nhận sự có mặt hay không có mặt của Việt kiều tại quốc nội, cũng như chủ động trong mọi sinh hoạt kinh tế và thương mãi của Việt kiều.

Việt cộng cũng ước lượng trước những hậu quả có thể có khi mở cửa đón Việt kiều và chuẩn bị sẵn những biện pháp để đối phó. Nhưng trên tất cả, điều tôi muốn nói ở đây, và đã nói nhiều lần trong tập bút ký này, là:

Nếu vì lý do nào, tôi muốn về nước làm ăn, thì tôi sẽ lẳng lặng thực hiện ý muốn của tôi, người chung quanh muốn gì mặc kệ họ. Cái quan trọng chỉ là sự thẳng thắn, không gán cho việc về nước của tôi một ý nghĩa hay một vai trò chính trị giả tưởng nhằm đánh lừa chính mình cũng như đánh lừa người khác…”
( trích "Nhìn Lại Một Thập Niên" trang 179-180 ).

Phải chi bố cô cứ thẳng thắn nói cho mọi người biết việc làm ăn môi giới của ông ở Việt Nam ( mặc dầu sự môi giới của ông là tiếp tay với Việt cộng cướp đất đai của hàng vạn đồng bào nghèo khổ để bán cho tài phiệt làm sân goft, và những đồng tiền hoa hồng của bố cô chắc chắn có mùi máu, mùi mô hôi, mùi nước mắt của những người dân nghèo khổ đó, chả trách có lần cô tuyên bố với phóng viên báo VNExpress, cô nghe lời bố khuyên về VN làm ăn vì Đà Nẵng là “mảnh đất vàng”… )

( Câu “ mảnh đất vàng” sau đó bị rút xuống, nhưng tôi kịp copy và giữ đây ) có lẽ người ta sẽ chỉ ghét hoặc rủa sả bố cô một hồi rồi thôi.

Dù sao người ta còn nhớ ngày xưa bố cô dẫu không tài cán gì nhưng tánh ruột để ngoài da, ngang tàng, hào sảng… Ngờ đâu bây giờ ngay cả những đặc tính đó bố cô cũng không còn! Người ta giờ chỉ còn tìm thấy ở bố cô một con người hèn nhát, nịnh bợ kẻ thù, phản bội lòng tin của anh em, đồng bào, đồng đội để tìm lợi lộc miếng ăn, khoác lác tự sắm vai trò chính trị giả tưởng… Hỏi sao không bị anh em, đồng bào, đồng đội khinh bỉ, quay lưng, chê cười, tẩy chay?

Không phải xã hội đang phán xét bố cô như Nhạc sĩ Lê Dinh nói đó sao? Bài học này tôi tin rằng sẽ nhắc nhở tôi, nhắc nhở cô, nhắc nhở mọi người sống sao cho liêm sỉ.

Cô cũng đừng giống ông bố nói quàng nói xiên, chụp cho xã hội, cho Cộng Đồng cái mũ “ Undercover Mafia” mà vạ miệng!

Thụy Vi

( Hầm Nắng, 6 – 9 – 2011 )


* Nguồn tin trên ở Link chữ màu xanh nầy: http://www.vietlandnews.net/forum/cmps_index.php
Special News * Xem tiếp, xin hãy nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ: Newer Post, Home, Older Posts

Blog Archive