05 June, 2009

Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet

Telecommunication Freedom-Democracy Flash
“Trong thời đại bùng nổ thông tin, biết rằng không thể ngăn chặn được những nguồn tin bất lợi cho Đảng trên internet, trên các website, nên chuyện buộc thôi việc cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, phải chăng như một trò lấy đó làm gương cho những ai muốn hướng học sinh đến việc đi tìm hiểu và lý giải những sự thật mà Đảng không hề mong muốn?”
***
Nhân chuyện Thạc Sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên dạy môn văn tại trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, bị Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Quảng Nam buộc thôi việc hôm 1 tháng 6, 2009 vì lý do “sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục,” tôi mang những thắc mắc của mình trao đổi cùng một số thầy cô giáo dạy văn tại Việt Nam để hiểu thêm vấn đề.

Khi nghe tôi nhắc lại những lý do khiến cô Hạnh bị qui cho “tội xuyên tạc đạo đức nhà giáo, hạ bệ lãnh tụ, và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình” mà cô Hạnh nêu ra khi trả lời phỏng vấn của phóng viên RFA, một người bạn kể: “Chuyện cô Hạnh cũng gần giống với câu chuyện của một giáo viên xảy ra cách đây đã nhiều năm. Khi ấy, trong sách giáo khoa có bài ‘Đôi mắt’ của nhà văn Nam Cao. Đại ý nhân vật chính trong truyện là Hoàng, một văn sĩ Hà Nội. Năm 1954, khi kháng chiến bung nổ, Hoàng cũng như nhiều người phải bỏ Hà Nội di tản về nông thôn. Nhưng Hoàng không thể nào hòa nhập được với những người kháng chiến mà Hoàng cho là quá ngu si đần độn. Anh ta cho là dù có hăng hái đi làm kháng chiến mà không có kiến thức hiểu biết thì cũng là đồ vứt đi. Nhưng dẫu sao trong ‘đôi mắt’ của Hoàng thì nếu họ chỉ biết đi đánh đấm, bắn giết không thì cũng tạm chấp nhận, đằng này theo Hoàng thì điều tệ hại nhất là người ta lại cho thằng bán cháo lòng lên làm chủ tịch. ‘Bán cháo lòng thì chỉ biết đánh tiết canh, làm quái gì biết làm chủ tịch mà bắt nó làm chủ tịch.’

Và thế là từ “Đôi mắt” của nhân vật trong truyện, ông thầy đó đã “liên hệ thực tế” để chứng minh cái nhìn đó tuy có phiến diện nhưng cũng đúng trong cuộc sống hằng ngày. Rồi thầy giáo này đưa ra những bằng chứng chung chung như có những người lên nắm quyền nhưng thực ra không có kiến thức chuyên môn mà chỉ vì những công lao trong kháng chiến, hay vì muốn đề cao “giai cấp nông dân” nên người ta cứ cho họ những chức danh, đặt họ vào những vị trí không phù hợp, vân vân…

Nói chung, tất cả những điều người thầy đó nói đều đúng với thực tế, không nhằm chỉ vào một ai. Nhưng ‘tai vách mạch rừng,’ lời ông thầy nói đã đến tai ‘lãnh đạo’ và ông thầy ‘lãnh đạn’ với tội danh “tuyên truyền những điều không có trong sách vở, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang cho thế hệ trẻ…”

Nghe kể như vậy, tôi phán ngay: Vậy thì cứ sách vở mà dạy, đừng thèm dẫn chứng liên hệ thực tiễn chi cho phiền phức! “Ồ, như vậy thì không được. Yêu cầu của Bộ Giáo Dục-Đào Tạo là dạy học thì phải có ứng dụng liên hệ đến thực tế. Nếu không thì bài dạy sẽ không đạt yêu cầu.” “Vậy thì liên hệ thực tế đến đâu là vừa?” tôi tiếp tục thắc mắc.

Một người bạn khác thâm trầm và nhiều kinh nghiệm trong chuyện dạy học cho biết: “Thực tế là không hề có bất kỳ một qui định cụ thể nào của Bộ Giáo Dục - Đào Tạo về việc đưa ví dụ dẫn chứng minh họa cho bài học cả, ngoài việc nói chung chung giáo dục phổ thông phải mang tính định hướng, mang tính sư phạm, không quá khích, chỉ trích, đi ngược lại đường lối chính sách.” “Nếu thử nhìn lại vấn đề của cô Hạnh, những ví dụ minh họa mà cô Hạnh đã đưa ra trong bài giảng của mình là đúng hay sai dưới góc nhìn chuyên môn, và liệu đã vi phạm như thế nào về việc định hướng cho học sinh?” tôi nói.

Một người bạn khác thừa nhận: “Ví dụ hay nhất là cô Hạnh đưa ra về cách trả lời phỏng vấn của ông Nông Đức Mạnh. Nhìn ở khía cạnh nội dung bài học ‘Cách phỏng vấn và trả lời phỏng vấn’ thì đó là một minh họa rất tốt. Việc cô Hạnh nhắc nhở học sinh nên biết tiếp thu và ‘xử lý’ thông tin trên các trang web cũng là một định hướng đúng. Nếu tôi dạy, tôi cũng sẽ nói tương tự như thế.” Thế thì tại sao cô Hạnh lại bị buộc tội xuyên tạc, phản động?

Mấy người bạn cười ý nhị: “Môn văn trong nhà trường hiện nay là một môn học “nhạy cảm.” Người thầy giáo cô giáo dạy văn ngày nay không chỉ là dạy cái hay cái đẹp của văn chương mà còn phải biết định hướng thẩm mỹ, giúp học sinh có nhận thức đúng đắn nữa. Văn phải đi liền với chính trị! Vì vậy để tránh những “tai nạn nghề nghiệp,” tốt nhất vẫn là phải biết ‘khéo léo,’ tránh đề cập đến những gì liên quan đến lãnh tụ, đến các quan. Họ đã được thần thánh hóa rồi thì coi như ‘tránh voi chẳng xấu mặt nào,’ chứ láng cháng đụng đến, thánh đâm cho một nhát thì toi mạng.

Hơn nữa chuyện chữ nghĩa một khi đã bị lên bàn mổ thì có trăm phương nghìn cách để người ta mổ xẻ, bóc tách. Kẻ thương hiểu tốt, người xấu hiểu gian. Bài giảng hôm nay với những dẫn chứng minh họa được coi là hùng hồn, thiết thực, nhưng ở đây, đâu ai nói trước được chuyện ngày mai những lời nói tưởng như gió bay lại trở thành tai họa!

Sống với “lũ” thì phải tập làm quen với “lũ”. Nếu thật sự tự tin vào đường lối, chính sách của mình là hoàn toàn đúng đắn thì cách đây không lâu Đảng đâu cần phải ra thông tư thông báo trong các chi bộ trường học về việc ‘phải có định hướng tốt, phải bài trừ những tư tưởng lệch lạc về Đảng và Nhà Nước trong đội ngũ giáo viên học sinh.’

Cũng cần nhắc lại, vào dịp hè năm ngoái, ngay sau đợt tập huấn thay sách giáo khoa cho các giáo viên ở Sài Gòn, Ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ đã đến gặp người chịu trách nhiệm về môn văn của Sở Giáo Dục – Đào Tạo thành phố này để điều tra khi có nguồn tin cho rằng trong các giáo viên có sự lưu truyền những ấn phẩm, những đường dẫn (link) liên quan đến việc nói xấu lãnh tụ, Đảng, và nhà nước. Các tài liệu ghi chép, các “thẻ nhớ”, USB của các giáo viên tham gia bị kiểm tra. Không tìm ra bằng chứng bất kỳ nào. Các thầy cô giáo không ‘ngu’ như họ tưởng!

Trong thời đại bùng nổ thông tin, biết rằng không thể ngăn chặn được những nguồn tin bất lợi cho Đảng trên internet, trên các website, nên chuyện buộc thôi việc cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, phải chăng như một trò lấy đó làm gương cho những ai muốn hướng học sinh đến việc đi tìm hiểu và lý giải những sự thật mà Đảng không hề mong muốn?

Như đã nói, sống chung với “lũ” thì phải tập làm quen với “lũ”. Người thầy giáo biết khôn khéo để tránh va chạm đến những vấn đề nhạy cảm, nhưng cũng cần nên hiểu rằng, họ sẽ biết làm gì khi nhận thấy rằng đã đến lúc đất nước này cần phải có sự thay đổi.

Ngọc Lan

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh
Báo chí Việt Nam gần đây đưa tin một giáo viên dạy văn tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam, là thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh, bị cho thôi việc vì “sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà Nước. Cô Hạnh còn bị buộc tội "xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục.”

Chúng tôi liên lạc với nhà giáo này để tìm hiểu sự việc. Cô cho biết, cô tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại Học Đà Lạt với luận văn có đề tài “Hoàng Cầm Trong Tiến Trình Thơ Việt Nam Hiện Đại.” Và cô cũng nói rằng, chính cô đã chọn Quảng Nam làm mảnh đất khởi đầu cho nghề dạy học của mình. Xin giới thiệu bài phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với cô Nguyễn Thị Bích Hạnh sau đây.

Bị điều tra và buộc thôi việc

Thiện Giao: Xin được hỏi, các danh từ “thôi việc,” “đuổi việc,” và “ngưng hợp đồng,” danh từ nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi nghĩ không có danh từ nào phù hợp với hoàn cảnh của tôi cả. Tôi nghĩ tôi làm việc với tinh thần nghiêm túc và với tâm huyết của một nhà giáo. Quyết định của Sở Giáo Dục làm tôi không hài lòng. Quyết định này không rõ ràng. Bản thân họ, những người ra quyết định, cũng không hiểu rõ những chuyện giữa tôi và học trò. Họ chỉ nghe thông tin từ học trò, từ công an và từ những người khác. Họ làm việc với nhau rất lâu, và rồi đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi. Tôi thấy rằng hành động của họ là vi phạm quyền dân chủ và không tôn trọng nhân quyền. Họ xử lý công việc liên quan đến tôi mà không hỏi ý kiến tôi và ngay khi công an điều tra sự việc, họ cũng không gặp tôi. Họ chỉ áp lực sang Sở và Sở đưa đến quyết định như vậy.

Thiện Giao: Cơ quan nào có tiếng nói quyết định trong vụ của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Cơ quan có tiếng nói quyết định trong sự thôi việc tôi là Sở Giáo Dục. Nhưng trước đó thì Sở không biết điều gì cả. Công an điều tra trước, điều tra học trò rất kỹ, rất lâu. Sau đó thì họ gặp Hiệu Trưởng, làm việc với Giám Đốc Sở, và Sở đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Giữa chị và trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hợp đồng làm việc không?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi về tỉnh Quảng Nam theo diện thu hút nhân tài. Sở Giáo Dục phân tôi về trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Quý vị đang theo dõi cuộc phỏng vấn Đài chúng tôi với cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Bích Hạnh, người vừa bị cho thôi việc tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vì “xuyên tạc đường lối của Đảng … truyền bá trang web phản động …” Thạc sĩ Bích Hạnh cho biết cô khuyến khích học trò chuyên của mình bớt chơi game mà nên dành thời gian tìm kiếm tri thức trên mạng. Cô đã giới thiệu với học trò các website, chẳng hạn talawas, Hợp Lưu, Tiền Vệ. Liên quan đến luận văn thạc sĩ, cô Bích Hạnh cũng nhận định “Nhân Văn Giai Phẩm cùng nhóm Sáng Tạo là 2 nhóm có khả năng cách tân thơ, cách tân nền văn học Việt Nam. Tiếc rằng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị dập tắt nhanh chóng…” Xin tiếp tục theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.

Thiện Giao: Báo chí nói chị có những bài giảng không đúng đường lối chính sách luật pháp của Nhà Nước. Theo trí nhớ, chị có nói những điều như vậy với học trò của mình?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi có nói, nhưng với nội dung thế này. Khi lên lớp, tôi dạy bài “Hai Đứa Trẻ,” một bài tiếng Việt, một bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. “Hai Đứa Trẻ” là bài giảng văn rất hay, nhưng thời lượng không cho phép. Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà, đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi thêm về tác phẩm. Đây là một tác phẩm hay, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin rất thú vị. Tôi cũng nói không phải bài viết nào trên mạng cũng hay. Có những bài hay, nhưng cũng có những bài chúng ta đọc và chọn lựa thông tin.

Tôi có nói các bạn cần cẩn thận với thông tin trên mạng, vì gần đây “cô đọc một bài viết trên mạng của giáo sư Lê Hữu Mục nói rằng Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác Hồ.” Tôi nói các bạn cần cẩn thận khi xử lý thông tin. Lúc đó, một em học sinh phát biểu rằng Bác Hồ là thần tượng của cả dân tộc, tại sao lại có thông tin như vậy. Tôi trả lời, rằng “cô tin sự thật, cái đẹp, chân lý luôn luôn tồn tại, cho dù ai đó có tìm cách phủ nhận, nó vẫn tồn tại.” Tiếp theo, tôi dạy tiết “phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.” Tôi nói với học trò, cách trả lời phỏng vấn rất quan trọng. Nó cho người ta biết người trả lời phỏng vấn có kiến thức bao nhiêu, văn hóa như thế nào, văn hóa ứng xử ra sao.

Tôi có lấy một ví dụ bên lề, là khi Nông Đức Mạnh ra nước ngoài, có người hỏi “ở Việt Nam nhiều người nói ông là con Bác Hồ, ông nghĩ sao về điều này.” Tôi nói với học sinh, tôi nghe phong phanh ông ta không nói có, cũng không trả lời không, chỉ trả lời “ở Việt Nam, ai chẳng là con, là cháu bác Hồ.” Tôi chỉ dạy học trò cách trả lời phỏng vấn. Tôi không có ý định nói Bác Hồ có con riêng hay chuyện này chuyện kia. Nhưng Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Quảng Nam nói cô Hạnh nói Bác Hồ có con riêng, và Tuyên Ngôn Độc Lập và Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác. Đồng thời còn có một nội dung trong đó cô nói không nên thần thánh hóa Bác Hồ.

Tôi không nói là không nên thần thánh hóa bác Hồ. Tôi nói rằng mọi thiên tài đều là con người. Trước khi nhìn nhận là một thiên tài, hãy nhìn nhận họ dưới góc cạnh một con người để thấy chất người trong con người của họ. Tôi không hề có ý định hạ bệ lãnh tụ hay xuyên tạc, phản động. Nhưng Ban Tuyên Giáo kết luận tôi nói 4 nội dung như thế. Khi đưa ra quyết định, họ kết tội tôi hạ bệ lãnh tụ và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình.

Thiện Giao: Bây giờ chị định như thế nào?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Khi nhận quyết định, tôi nghĩ tội này là tội của một ai đó chứ không phải tội mà người ta gán ghép cho tôi. Vì vậy, tôi có ý định viết bài, đăng báo và gởi đơn khiếu kiện lên Sở, yêu cầu Sở giải trình nguyên do dẫn tới buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Xin cám ơn thời gian của chị.

2009-06-04. Thiện Giao, phóng viên RFA

* Địa chỉ website tin tức trên ▼
http://www.rfa.org/vietnamese/in_dep...009091256.htmll

Quí vị ở VN muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website dưới đây, sau đó đánh địa chỉ trang mạng nào bạn muốn tìm sẽ vô được một cách dễ dàng!

www.anonymouse.org/anonwww.html
Vượt Tường Bức Lửa ^ (Anti Firewall ▼)

www.anonymouse.org/anonwww.html

Khi đã mở Web vượt Tường Lửa ra xong, các bạn hãy copy website nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ Website vào cái khung nhỏ nằm trong hàng chữ màu đen đậm giống dưới đây


Enter website address:

Ví dụ: ► www.rfa.org/vietnamese

Kế tiếp nhấn hàng chữ nằm bên tay phải giống như dưới đây

Suft Anonymously

Ghi Chú: Khi đến cuối trang, Quí Vị thích xem tiếp thì hãy nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ ở dưới ▼ Newer Post, Home, Older Post

Blog Archive