23 July, 2010

Ai đọc Tạp chí Nhân quyền Việt Nam?


Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ đã tổ chức lễ ra mắt Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, số đầu tiên của Tạp chí được phát hành ngày 14 tháng 7, 2010.

Khác với những lần làm lễ ra mắt các tờ báo thông thường (Ví dụ: Báo điện tử Tầm Nhìn), các báo đài trong nước không nói rõ Ban Biên Tập và thành phần Thư ký Tòa soạn, phóng viên của Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam là ai, nhưng người đọc bài giới thiệu trên báo đài “lề phải” có thể hiểu tạp chí này là một tờ nguyệt san thuộc Chính phủ Việt Nam, hoạt động bằng ngân sách quốc gia, do ông Phạm Gia Khiêm - Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ Việt Nam trực tiếp lãnh đạo. Xem ra, thành viên Ban Biên tập Tạp chí này cũng thuộc loại “thông tin bí mật” ấy nhỉ?

VTV cho hay: “Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ nhấn mạnh: Tạp chí Nhân Quyền ra đời chính thức tạo thêm kênh thông tin chủ lực nhằm phổ biến chính sách của Ðảng, Pháp luật của Nhà nước về nhân quyền; giúp cho đồng bào ta ở trong nước cũng như nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ việc đảm bảo quyền con người là bản chất của chế độ, đồng thời góp phần phê phán những nhận thức lệch lạc và đấu tranh với biểu hiện sai trái, thù địch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.”

Vào Google gõ cụm từ “Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam” sẽ thấy tin này được loan tải với “tốc độ tên lửa” trên tất cả các báo đài trong nước lẫn hải ngoại, những trang thông tin điện tử của Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành, website của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, v.v... cho thấy tin Việt Nam phát hành Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam quả là “chấn động thế giới.” Nhiều người đã viết bài phổ biến trên mạng Internet bình luận câu nói trên của Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm.

Theo tác giả Phạm Trần, việc Chính phủ Việt Nam phát hành Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam là “Ðảng Cộng sản Việt Nam lại giở chiêu chống đỡ những hành động không thể chối cãi được về quyền con người để hy vọng thay mặt cho chế độ,” “dân chủ, tự do là những thứ “xa xỉ phẩm” chỉ dành riêng cho đảng viên đảng CSVN, nhất là những kẻ có chức có quyền trong guồng máy cai trị?”

Tờ CNS News viết: “Trong một bức thư gửi đến bà Clinton vào ngày Thứ Năm, 19 nhà làm luật Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đã kêu gọi bà Clinton lợi dụng cơ hội này để nêu sự quan tâm liên quan đến các tù nhân chính trị và đồng thời yêu cầu ‘đưa vấn đề nhân quyền vào nội dung cốt lõi của quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam.’ Bức thư cũng nêu lên quan tâm về vấn đề được gọi là ‘một sự tấn công tinh vi và kiên trì những nhà đối kháng trên mạng’ - qua một nghị định bắt buộc tất cả những cửa tiệm cung cấp dịch vụ Internet phải cài đặt một nhu liệu mà chính phủ dùng để theo dõi tất cả những sinh hoạt của người sử dụng máy và ngăn chặn việc truy cập một số trang mạng.

Những người ký tên vào bức thư nói trên gồm có Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao của Quốc Hội là Dân Biểu Howard Berman và một thành viên khác của ủy ban là Dân Biểu Ðảng Cộng Hòa Ileana Ros-Lehtinen.” Vì vậy, có ý kiến cho rằng việc Chính phủ Việt Nam xuất bản Tạp chí Nhân Quyền là để “chống đỡ những chỉ trích về nhân quyền” của các nước phương Tây nhằm vào chính quyền Việt Nam.

Sau ngày 16 tháng 7, 2010, tôi đã tự mình đi tìm và nhờ người khác đi tìm khắp các sạp báo lề đường Sài Gòn mua quyển Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam, nhưng tôi đã hoài công vô ích. Hỏi rã họng nhưng không một nơi bán báo nào biết “Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam” là gì? Ai cũng tròn mắt nhìn tôi như nhìn người từ cung trăng mới rớt xuống. Hỏi sao không bán Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam, một cô bán báo trên đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ) nói với tôi: “Em đâu biết cuốn đó là cuốn gì. Ðại lý bỏ cho mình thì mới bán, người ta không bỏ lấy gì mà bán.”

Một ông bán báo khác cũng trên đường Phạm Ngọc Thạch còn trêu tôi: “Chời ơi! Cuốn đó là cuốn gì? Tên nghe lạ hoắc hà! Phụ nữ thì mua mấy cuốn nhiều hình đẹp đẹp, tài tử điện ảnh Hàn Quốc nè, tình yêu nè, trang điểm nè, mốt nè. Kiếm cái đó làm chi. Ðể thủng thẳng tui về tui viết rồi tui bán cho chị, chớ bây giờ tui hổng có bán.” Hỏi chị Tư bán báo “mối” ở gần nhà tôi, chị cười hề hề nói: “Có cái gì mới lạ lạ là chị kêu cô liền, ngu gì không kêu để bán, nhưng mà chị hổng có thấy cuốn đó. Mới nghe cô nói lần đầu đó.”

Một người quen của tôi ở quận Bình Thạnh hành nghề đại lý bỏ mối báo chí cho các sạp báo nói: “Tôi làm đại lý, có cái gì mới là tôi phải biết trước. Tôi lên mạng đọc cũng biết tin Việt Nam phát hành cuốn Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam nhưng có thấy cơ quan nào đưa ra bán ngoài thị trường đâu?”

Ai cũng biết nguồn cung cấp báo in đến tay người dân Sài Gòn không phải là các cơ quan phát hành báo chí mà là những người bán báo dạo, bán lẻ, sạp báo lề đường, Người dân Sài Gòn trên đường đi làm, đi học, đi chợ, đi đưa rước con cái,... sẽ “tiện thể” tấp vào ven đường mua vài tờ báo bỏ vào túi xách, kẹp theo xe máy, lúc nào rỗi rảnh sẽ lôi tờ báo ra đọc giải trí.

Không ai chạy vào các tòa soạn báo hay cơ quan phát hành báo để mua báo bao giờ, trừ phi người ta cần tìm lại vài số báo cũ phục vụ cho công việc gì đó của họ. Mà cũng hiếm hoi lắm, thời nay, muốn tìm báo cũ, người ta lên mạng “Google search” là có ngay lập tức kết quả cần tìm. Hóa ra là ngân sách nhà nước bỏ chi phí ra sản xuất, phát hành Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam không phải để cho người dân Việt Nam đọc?

Lúc còn công tác ở quê nhà, tôi thấy tờ báo Bạc Liêu (cơ quan chủ quản là Tỉnh Ủy Bạc Liêu, hoạt động bằng ngân sách tỉnh) in ra phần nhiều biếu cho các cơ quan ban ngành, hội đoàn trong tỉnh chớ ít ai mua lắm, kể cả cơ quan nhà nước. Ðến nỗi có lần (khoảng năm 2003-2004) Ủy Ban tỉnh ra thông báo gởi đến các cơ quan (trong đó có cơ quan tôi) rằng: Cơ quan, tổ chức nào cũng phải đặt mua báo Ðảng (tức báo Bạc Liêu), nếu không thì sẽ không được Sở Tài Chánh thanh toán tiền mua báo hằng tháng, thủ trưởng cơ quan đó tự chịu tiền mua báo.

Nói là “mua báo” nhưng tiền hoạt động của cơ quan nhà nước là tiền ngân sách, như vậy tiền nhà nước từ cái túi nhà nước này chạy qua cái túi nhà nước kia thì “mèo vẫn hoàn mèo,” có phát sinh “giá trị thặng dư” chỗ nào đâu? Dân tỉnh tôi cũng ít mua báo Bạc Liêu, trừ phi lâu lâu có đăng chuyện vụ án gì “giựt gân” vừa xảy ra trong tỉnh, nhưng ít nhiều gì thì báo Bạc Liêu cũng đến được tay người dân, và cũng có người mua đọc.

Tôi không muốn “phát biểu ý kiến” gì trước khi chính mình chưa đọc nội dung cuốn tạp chí ấy, nhưng nếu Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam chỉ phục vụ cho 3 mục đích như lời phát biểu của ông Phạm Gia Khiêm, thì hơn 700 tờ báo (chỉ có 1 Tổng Biên Tập duy nhất là Ban Tuyên Giáo Trung Ương) đã làm nhiệm vụ này từ lâu rồi, nay xuất bản thêm Tạp chí Nhân Quyền Việt Nam làm chi cho tốn giấy? Phải chăng người dân Việt Nam bình thường (không phải cán bộ nhà nước) thì không ai được “hân hạnh” đọc tạp chí này cả, và việc phát hành trước ngày bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton sang Việt Nam là để cho các phái đoàn ngoại giao Tây có cái đọc chơi?

Tạ Phong Tần

* Tin tức trên ở địa chỉ dưới đây ▼
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116228&z=2
mid line Pictures, Images and Photos


Quí Vị thích xem tin tức mới cập nhật mỗi ngày, hoặc nghe đọc tài liệu tham khảo, xin hãy nhấn vào ▼Websites dưới đây

www.tiengnoitudodanchu.org
www.lyhuong.net
www.huyenthoai.org

Cư ngụ tại Việt Nam muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website màu xanh dưới đây. Kế tiếp đánh địa chỉ Bạn muốn tìm

▼ Vượt Tường Bức Lửa (Anti Firewall ▼)

www.anonymouse.org/anonwww.html


Khi đã mở Website
vượt tường lửa ra xong, bạn hãy copy Web nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ vào trong cái khung nhỏ chữ Enter website address

Ví dụ: www.rfa.org/vietnamese

Hoặc copy giống dạng tương tự Link này
Ví dụ:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Govert-does-not-want-people-to-involve-is-deciding-issues-of-Spartly-and-Paracel-islands-TVan-09042009155345.html

Paste (dán) vô cái khung có 3 chữ giống như ở dưới


Enter website address:


Sau cùng nhấn Chuột vào hàng chữ nằm về phía bên tay phải, giống dưới đây

Suft Anonymously

* Quý vị thích xem tiếp, xin nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ: Newer Post, Home, Older Posts

Blog Archive