04 October, 2010

Video RFA: Thêm một vụ công an đánh người không đội mũ bảo hiểm

Thêm một vụ công an giao thông đánh người không đội mũ bảo hiểm xảy ra tại Hà Tĩnh. Mặc Lâm theo dõi câu chuyện và trình bày sau đây.
Nếu Video chưa xuất hiện xin chờ, hoặc nhấn F5


Từ khi quyết định của thủ tướng chính phủ ban hành về việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm để tránh thương vong do tai nạn giao thông gây ra đã được dư luận hầu như đồng tình ủng hộ. Các tai nạn giao thông ít người chết hơn và con số bệnh nhân té xe bị vỡ sọ hầu như tụt xuống hẳn.

Tuy nhiên bên cạnh sự vui mừng về biện pháp đội mũ chưa kịp nở rộ thì cùng lúc cách hành xử của công an giao thông đối với những người không đội mũ đã trở nên đáng lo ngại. Hàng trăm vụ đánh người vi phạm đã khiến dư luận bàng hoàng tự hỏi có phải không đội mũ bảo hiểm đáng bị trừng phạt nặng nề như vậy hay không?

Mức độ đáng lo ngại

Thử nhìn lại một vài vụ gần đây nhất sẽ thấy mức độ đáng lo ngại này đến như thế nào.

Tối 24 tháng 4, tại quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang, anh Nguyễn Văn Nam được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa Khánh Hòa, với những dấu hiệu bị chấn thương nặng đốt sống cổ, lún xương thái dương phải, vỡ xương bướm và cung gò má phải, dập tủy, đứt dây chằng dọc trước, phù nề mô mềm trước cột sống và phía sau, gẫy 4 răng…

Anh Nam đi mô tô không đội mũ bảo hiểm chạy hướng Bắc-Nam, bị hai người, một là cảnh sát giao thông, một là công an viên, đuổi theo phía sau. Bất ngờ, người ngồi sau quất gậy trúng vai, khiến Nam ngã xe. Sau đó, cảnh sát giao thông lấy chân đá vào người Nam đang quằn quại bên vũng máu.

Theo nguồn tin từ Công an huyện Diên Khánh, viên cảnh sát giao thông là thượng sĩ Vũ Văn Duy và người ngồi sau là công an viên Nguyễn Trọng Hiếu.

Vụ thứ hai xảy ra vào sáng 11 tháng 05, thượng sĩ cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng là Nguyễn Anh Minh cùng với Trần Văn Chính - thanh niên xung kích phát hiện anh Nguyễn Minh Trình điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm.

Do không đồng ý việc xử phạt, Nguyễn Minh Trình và Thượng sĩ Nguyễn Anh Minh đã lời qua, tiếng lại. Công an Minh đã giơ tay đánh vào đầu anh Trình. Sau đó, viên công an rút chiếc còng số 8 ra đập liên tục vào gáy anh Trình khiến gáy bên phải bị chảy máu. Sự việc xảy ra ngay gần quán cà phê, có nhiều người chứng kiến đều bày tỏ sự bất bình trước hành vi đánh người của cảnh sát giao thông.

Vụ thứ ba là anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, trú tại xóm Cầu, thôn Nghi Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang. Lúc anh đang chở người yêu đi mua thức ăn thì bị bắt vào đồn công an để làm việc, đến 6 giờ rưỡi người bạn gái được báo biết nạn nhân đang ở bệnh viện. Bác sĩ tại bệnh viện cho biết Khương nhập viện lúc 6 giờ 20 thì đã chết, với mấy vết bầm tím trên cổ.

Vụ thứ tư, được báo Tiền Phong thuật lại xảy ra tại một ngã tư ở thị xã Hưng Yên, công an phát hiện hai thanh niên chở nhau trên xe máy cố tình vượt đèn đỏ. Người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Tổ công an giao thông đã đuổi theo. Đến đoạn giữa đường Điện Biên thị xã Hưng Yên, xe công an đuổi kịp và vượt lên, yêu cầu dừng lại để kiểm tra.

Rất nhiều nhân chứng khẳng định hai cảnh sát giao thông khi chặn xe của hai thanh niên đã dùng dùi cui đánh hai thanh niên trên. Chị Bùi Thị Oanh ở thị xã Hưng Yên, cho biết chị đã chứng kiến ngay từ đầu vụ việc, thấy hai cảnh sát giao thông ép xe của hai thanh niên khiến cho anh này bị té.

Vụ thứ năm, theo báo Tuổi Trẻ thì khoảng 9g sáng ngày 5-6, trên quốc lộ 91 người dân đã chứng kiến cảnh một môtô của cảnh sát giao thông tỉnh An Giang rượt đuổi theo xe gắn máy do một thanh niên điều khiển.

Khi môtô ép xe gắn máy vào lề, viên cảnh sát ngồi sau lập tức đấm tới tấp vào gáy anh thanh niên. Anh ta chắp tay van lạy ba cái rồi đổ gục xuống. Khi người dân xúm lại dìu anh thanh niên vô nhà săn sóc thì mấy cảnh sát giao thông đã hùng hổ đe dọa, trấn áp và giải anh thanh niên đi.

Theo những người chứng kiến, ngoài hai người chạy môtô còn có một số công an khác. Anh thanh niên bị đánh là Nguyễn Văn Chính, ngụ tại khóm Đông Thịnh, thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang.

Vụ thứ sáu, vào ngày 16 tháng 9, tại ngã giữa đường Trần Phú và đường Lý Tự Trọng thành phố Hà Tĩnh. Trên đường đi học về, một sinh viên bị hai công an điều khiển xe mô tô đuổi theo xô ngã và đánh liên tục ngay trước mặt nhiều người dân.

Sinh viên bị hai người công an đánh là Đặng Đình Việt trú tại xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà, đang học Trường Cao đẳng Việt – Đức tại TP. Hà Tĩnh. Và cũng tại Hà Tĩnh, mới đây nhất là vụ công an giao thông cùng với cảnh sát cơ động đánh anh Nguyễn Văn Điệp một cách dã man và sau đó nắm chân anh này kéo lê trên mặt đường như kéo súc vật.

Vào đêm 26 tháng 9 vừa qua một nhóm cảnh sát cơ động gồm 6 người đi trên ba chiếc xe gắn máy đã tấn công anh Điệp tại xóm Tân Phú xã Thạch Trung thị xã Hà Tĩnh. Nguyên nhân khiến cho anh Điệp bị tấn công là do anh không đội mũ bảo hiểm. Khi nghe thấy tiếng kêu cứu của anh Điệp người dân ngụ bên đường đã kéo nhau ra ngăn cản và tỏ rõ sự chống đối khiến cho những công an này phải dừng tay.

Bị đánh xong còn bị cướp tài sản

Điều đáng nói là khi anh Điệp bị kéo lê trên mặt đường đã rơi chiếc điện thoại trong túi ra, lập tức một trong 6 viên công an này nhặt chiếc điện thoại của nạn nhân và bỏ vào túi của mình. Anh Thanh, người đích thân đưa anh Nguyễn Văn Điệp đi cấp cứu cho biết:

“Chắc là không đội mũ nên bị công an đánh. Người dân họ bảo đánh rồi còn lôi trên đường. Nó đánh ở trên đầu và vai thương quá nên em mang người ta đi viện.”

Ông Nguyễn Đình Tuấn chủ tịch xã Thạch Trung nơi xảy ra sự việc cho biết:

“Thằng đó là thanh niên không đội mũ bảo hiểm, công an bảo dừng lại thì không dừng sau đó bỏ chạy nên công an đuổi theo rồi sau đó bị té; nó đã được đưa vô bệnh viện điều trị còn tất cả mọi chuyện công an đều chịu trách nhiệm hết.”

Ông Nguyễn Trung Hiền đội trưởng đội Cảnh sát điều tra và trật tự xã hội công an thành phố Hà Tĩnh cho chúng tôi biết:

“Vẫn chưa có căn cứ. Một bên thì nói do chạy xe bị té còn bên kia thì nói do xô ngã. Việc này thì gia đình và bên kia thống nhất trong nội bộ. Do hai bên đều có lỗi nên cũng thống nhất là xin ra viện và hai bên tự giải quyết với nhau. Công an thành phố đang xem xét thêm một tí nữa để kết luận hành vi như thế nào. Chắc cũng chỉ xử lý nội bộ thôi.”

Xử lý nội bộ

Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được trả lời từ một viên chức công an một cách đầy đủ. Tuy nhiên khi được ông cho biết việc này sẽ được xử lý nội bộ thì một câu hỏi khác được đặt ra: nếu công an nào đánh dân cũng được xử lý nội bộ để ngành công an không bị mất quan điểm thì công lý sẽ ra sao?

Mọi cách trách né dư luận đều không phải là biện pháp tốt nhất để hành xử luật pháp. Người dân không dám khiếu kiện công an khi bị oan sai từ nhiều chục năm nay là điều rất dễ hiểu. Họ bị o ép, hăm dọa, đôi khi mua chuộc sự im lặng dưới mỹ từ “xử lý nội bộ” và hầu như tất cả mọi trường hợp đều thành công. Ngay cả việc đánh người tới chết của công an Bắc Giang cũng đã được xử lý nội bộ khiến gia đình nạn nhân đã chấp nhận giữ sự im lặng.

Biện pháp xử phạt nghiêm minh trong an toàn giao thông luôn là điều cần phải gìn giữ, tuy nhiên với những công an viên đem việc đánh người như côn đồ ra làm phương tiện răn đe người dân thì điều này chứng tỏ xã hội vẫn đang thiếu luật pháp bởi chính những người thi hành pháp luật gây ra.

* Tin tức trên ở địa chỉ dưới đây ▼
http://www.rfa.org/vietnamese/in_dep...010102134.html
mid line Pictures, Images and Photos

Quí Vị thích xem tin tức cập nhật, hoặc nghe đọc tài liệu tham khảo xin hãy nhấn vào các Websites dưới đây:

http://tiengnoitudodanchu.org/
www.vietlandnews.net
www.lyhuong.net
www.huyenthoai.org
http://www.lytuongnguoiviet.com/

▼ Vượt Tường Bức Lửa (Anti Firewall ▼)

www.anonymouse.org/anonwww.html


Nhấn vào Website chữ màu xanh ở trên để vượt tường lửa. Kế tiếp đánh địa chỉ, hoặc copy Link và Paste (dán) vô khung chữ: Enter website address


Xem tiếp, xin nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ: Newer Post, Home, Older Posts

Blog Archive