WASHINGTON - Làm nhân chứng điều trần trước các thành viên Ủy Hội Tom Lantos về Nhân quyền của Quốc Hội ngày 23 tháng 3 vừa qua, Dân biểu Cao Quang Ánh đã mạnh mẽ chỉ trích sự gia tăng đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam và yêu cầu Hành pháp Hoa Kỳ gia tăng áp lực và thi hành chính sách cụ thể đối với chính quyền Hà Nội.
Đối diện với các đồng viện của mình, DB Frank Wolf (Cộng hòa – Virginia), DB Chris Smith (CH-New Jersey), DB Joe Pitts (CH-Pennsylvania), và DB Ed Royce (CH-California), DB Ánh nhận định Việt Nam phải bị đưa trở lại vào danh sách Các Quốc Gia Đáng Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) vì những vi phạm liên tục và có hệ thống trong năm qua.
Dẫn chứng rằng sau khi tiến hành nhiều hành động bạo lực và đàn áp trong suốt năm 2009, việc chính quyền Việt Nam gần đây trả tự do cho hai nhân vật đối kháng nổi tiếng, Linh mục Nguyễn Văn Lý và Luật sư Lê Thị Công Nhân, DB Ánh nhận xét rằng phản ứng từ dư luận cộng đồng quốc tế và nhất là chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ có tác động tích cực đáng kể lên thái độ của chính quyền Việt Nam đối với người dân trong nước.
“Tôi yêu cầu cấp lãnh đạo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và các viên chức ngoại giao của chúng ta truyền đạt một cách không nhân nhượng đến chính quyền Việt Nam rằng việc tiếp tục phát triển quan hệ song phương Mỹ-Việt, qua thương mại hay một khía cạnh nào khác, không thể diễn ra nếu không đi kèm với sự cải thiện về nhân quyền và tự do tôn giáo.”DB Ánh bày tỏ rằng việc đưa Việt Nam vào CPC sẽ giúp đưa hồ sơ vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của họ ra ánh sáng và khuyến khích họ giảm bớt những hành động đàn áp.
“Là người Mỹ gốc Việt, tôi cảm thấy rất căm giận khi phải chứng kiến những hành vi và phương cách đàn áp người dân quá ư là man rợ của một chính quyền trong bối cảnh thế kỷ 21 này. Đáng tiếc là Việt nam ngày hôm nay vẫn chưa có một hệ thống pháp trị.”
“Tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy thả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm và trả lại cho các tôn giáo quyền tự do căn bản được hoạt động và truyền bá tín ngưỡng của họ,” ông nói trong buổi điều trần.Ngoài việc kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách CPC, DB Ánh cũng thúc đẩy Quốc Hội thông qua Dự Luật Nhân quyền cho Việt Nam, gia tăng tiếp nhận người tị nạn chính trị từ Việt Nam, và đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần cải thiện hồ sơ chống buôn người - các quốc gia hạng 3 (Tier 3 countries) theo như Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Nạn Buôn Người (the Trafficking Victims Protection Act).
“Danh sách các quốc gia hạng 3 là dành cho các quốc gia không tiến hành những hành động cụ thể và cần thiết đúng mức để đối phó nạn buôn người. Trong khi đó, hồ sơ của Việt Nam trầm trọng hơn nhiều, không những họ không đối phó, mà các viên chức chính quyền tham gia vào hành động buôn người lao động thông qua các công ty giói thiệu lao động quốc doanh hay có vốn nhà nước, và ngay cả khi các nạn nhân bị ngược đãi và đứng lên tố cáo, các viên chức nhà nước còn đe dọa trừng phạt họ bằng pháp luật Việt Nam. Do đó, việc tiếp tục xếp Việt Nam ở hạng 2, vốn chỉ dành cho các quốc gia có những nỗ lực to lớn trong việc phòng chống buôn người, là một điều không thể biện hộ được.” DB Ánh nhận định.
Là vị dân biểu người Việt đầu tiên và duy nhất trong Quốc Hội Hoa Kỳ, sinh ra tại Việt Nam và vừa mới viếng thăm Việt Nam mới đây, lời nói của DB Ánh đã được các đồng viện chăm chú lắng nghe. Họ là thành viên lãnh đạo của Ủy Hội Tom Lantos và là những tiếng nói tranh đấu cho nhân quyền mạnh mẽ và không ngừng nghỉ tại Quốc Hội trong nhiều thập niên qua.
Tưởng cũng nên nhắc lại, tháng 1 đầu năm 2010, DB Ánh đã viếng thăm Việt Nam, sau khi chấp nhận điều kiện đặt ra là đi theo lịch trình do chính quyền Việt nam vạch sẵn, không được tiếp xúc với các nhân vật đối kháng hay mở các cuộc hội thảo báo chí.
Cùng tham gia buổi điều trần cùng với DB Ánh là một số đại diện lãnh đạo các tôn giáo và tổ chức nhân quyền quốc tế và người Việt, bao gồm ông Michael Cromartie, Phó Chủ Tịch Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF), Ni cô Đăng Nghiêm của Thiền viện Deerpark Monastary và đại diện giáo phái Làng Mai, Mục sư Y’Hin Nie, đại diện cộng đồng người Thượng đạo Tin Lành, một vị đại diện Tu viện Bát Nhã, BS Nguyển Quốc Quân của Cao Trào Nhân Bản, BS Nguyễn Thể Bình, chủ tịch Hội Bảo Vệ cho các Tù Nhân Lương Tâm (International Protection for Prisoners of Conscience), TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, và TS Sophie Richardson của Human Rights Watch.
Một chi tiết đáng chú ý là dù có nhiều tiếng nói về nhiều vấn đề khác nhau, truyền thông dòng chính chú tâm vào DB Ánh và những lời ông nói. Ngay sau đó, báo chí, trang mạng, và các đài radio liên tục đưa tin về buổi điều trần với tít lớn “Dân biểu Hoa Kỳ người Việt đòi phải có tự do tôn giáo,” “Dự luật mới có thể thay đổi quan hệ song phương Mỹ-Việt,” v.v. Hiện tượng này cho thấy việc cộng đồng người Mỹ gốc Việt có tiếng nói chính thức ngay trong lòng Quốc hội có uy thế và tác động trực tiếp không gì thay thế được về nhiều phương diện, nhất là trong vấn đề nhân quyền và quan hệ song phương Mỹ-Việt.
* Nguồn tin tức trên ở địa chỉ dưới đây ▼
http://thongtinberlin.de/thoisu/maerz/cqaseduaraduluatduacsvaocpc.htm