Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa và trấn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, vạch trần quan chức tham nhũng hoặc kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng bằng các giải pháp dân chủ.
Công an sách nhiễu, đe dọa các nhà hoạt động và người thân của họ. Nhà cầm quyền tùy tiện bắt bớ các nhà hoạt động, giam giữ biệt lập trong thời gian dài, không cho họ gặp gỡ gia đình hoặc tiếp cận với các nguồn trợ giúp pháp lý, tra tấn và truy tố họ ra trước các tòa án bị chính trị tác động, áp đặt các mức án tù thật nặng với các tội danh mơ hồ về xâm phạm an ninh quốc gia.
Trong năm 2012, công an có lúc sử dụng vũ lực quá mức khi đối phó với những cuộc biểu tình đông người phản đối cưỡng chiếm nơi ở, tịch thu đất đai hay nạn bạo hành của công an. Tịch thu đất đai tiếp vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối, khi đất đai của những người nông dân và cư dân ở nông thôn bị quan chức chính quyền và các dự án tư nhân cưỡng chiếm mà không đền bù thỏa đáng. Những người phản đối còn bị chính quyền địa phương đàn áp.
Sau hàng loạt vụ bắt giữ các quan chức doanh nghiệp nhà nước và các đại gia nhiều vây cánh, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lần thứ sáu được tổ chức vào tháng Mười năm 2012. Trong Hội nghị, các phe phái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tranh nhau giành quyền kiểm soát bộ máy kinh tế chính trị, dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực hiện vẫn còn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, chẳng có bên nào lên tiếng hay có biểu hiện hướng tới cam kết bảo đảm nhân quyền.
Việt Nam đã tuyên bố sẽ ra ứng cử một ghế vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC) trong nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Quyền tự do Ngôn luận, Nhóm họp và Thông tin
Ở bề nổi, quyền ngôn luận cá nhân, báo chí công và thậm chí ngôn luận chính trị ở Việt Nam có những dấu hiệu cho thấy được tự do hơn. Xu thế này thể hiện rõ nhất qua làn sóng chỉ trích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lần thứ sáu, và một ý kiến được nhiều người chú ý kêu gọi ông ta từ chức ngay trên sàn họp Quốc hội vào tháng Mười Một. Tuy nhiên, vẫn tồn tại làn sóng ngầm của bàn tay đàn áp có chủ trương nhằm vào những người có phát ngôn đi quá giới hạn, hoặc dám đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như phê phán chính sách đối ngoại của nhà nước đối với Trung Quốc hoặc chất vấn sự độc quyền của đảng cộng sản.
Chính quyền không cho phép báo chí độc lập hoặc của tư nhân hoạt động, và kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và xuất bản phẩm. Các chế tài hình sự được đặt ra cho những người phát tán các tài liệu bị quy là chống chính quyền, đe dọa nền an ninh quốc gia, làm lộ bí mật nhà nước hay ủng hộ các tư tưởng “phản động.” Chính quyền chặn đường truy cập tới các trang web chính trị nhạy cảm, yêu cầu các chủ quán cà-phê internet giám sát và lưu giữ thông tin về các hoạt động của người sử dụng mạng.
Vào tháng Tư, chính phủ công bố Dự thảo Nghị định Quản lý, Cung cấp và Sử dụng Dịch vụ Internet và Nội dung Thông tin Trên Mạng. Theo Dự thảo, Nghị định này sẽ cấm việc đăng tải trên mạng các thông tin có nội dung chống chính phủ Việt Nam, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục, đoàn kết dân tộc, xâm phạm danh dự cá nhân và tổ chức, hoặc vi phạm một số lĩnh vực nhạy cảm nhưng không được quy định rõ. Nghị định này cũng yêu cầu các công ty trong nước và nước ngoài lọc bỏ bất kỳ nội dung nào trái ý chính quyền. Tính đến thời điểm viết phúc trình này, Dự thảo nói trên vẫn chưa được Quốc hội xem xét.
Vào tháng Chín, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho Bộ Công an tấn công các trang mạng và blog không được chính quyền phê chuẩn, và trừng phạt những người sáng lập ra các trang mạng và blog nói trên.
Vào ngày mồng 5 tháng Tám, chính quyền dùng vũ lực giải tán những người tuần hành ôn hòa ở Hà Nội để phản đối chính sách đối ngoại của Trung Quốc về chủ quyền liên quan đến các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn 20 người tham gia đã bị tạm giữ vì gây rối trật tự công cộng. Nhưng cũng trong ngày hôm đó, chính quyền không hề can thiệp vào sự kiện có hơn 100 người tham gia tuần hành bằng xe đạp để công khai cổ vũ quyền của những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính (LGBT) lần đầu tiên ở Việt Nam.
Đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền
Trong năm 2012, chính quyền Việt Nam đã vận dụng các điều luật mơ hồ trong bộ luật hình sự để truy tố hình sự các hành vi thực thi các quyền dân sự và chính trị để bỏ tù ít nhất 33 nhà hoạt động và bắt giữ thêm ít nhất 34 nhà vận động tôn giáo và chính trị khác. Ngoài ra, còn có ít nhất 12 nhà vận động nhân quyền bị bắt từ năm 2011 vẫn đang bị tạm giam chưa xét xử tính đến thời điểm viết bản phúc trình này.
Các nhà vận động nhân quyền tiếp tục bị công an theo dõi gắt gao, thẩm vấn, phạt tiền, bị hạn chế đi lại trong nước và ra nước ngoài. Công an dùng biện pháp quản chế tại gia tạm thời để ngăn họ không tham gia biểu tình hay dự các phiên tòa xử các blogger hay các nhà hoạt động khác. Trong một số vụ việc xảy ra năm 2012, các nhóm côn đồ lạ mặt đã tấn công những người bất đồng chính kiến mà công an hầu như không làm gì để tiến hành điều tra.
Trong một phiên tòa thu hút được nhiều sự chú ý trong và ngoài nước, chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ vào ngày 24 tháng Chín, tòa án đã kết luận ba blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Việt Nam – Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), Tạ Phong Tần, và Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) – vi phạm điều 88 bộ luật hình sự (tuyên truyền chống nhà nước) và xử họ với mức án lần lượt là 12, 10 và 4 năm tù. Cả ba người đều là thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Cao ủy Liên minh Châu Âu Catherine Ashton đều bày tỏ quan ngại về trường hợp của họ vào nhiều dịp khác nhau trong năm 2012.
Chính quyền cũng áp dụng rộng rãi điều 88 để dập tắt tiếng nói của các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền khác. Trong tháng Mười, hai nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình và Võ Minh Trí (nghệ danh Việt Khang) bị xử tổng cộng 10 năm tù vì đã viết các bài hát phê phán chế độ. Vào tháng Tám, các blogger Đinh Đăng Định và Lê Thanh Tùng bị xử lần lượt là sáu năm tù và năm năm tù. Trong hai tháng Sáu và tháng Bảy, nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Phan Ngọc Tuấn ở tỉnh Ninh Thuận và các nhà vận động vì quyền lợi đất đai Nguyễn Kim Nhàn, Đinh Văn Nhượng và Đỗ Văn Hoa ở tỉnh Bắc Giang bị kết án tổng cộng là mười tám năm sáu tháng tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước vì có hành vi cất giữ, phát tán các tài liệu và truyền đơn dân chủ.
Trong tháng Ba và tháng Năm, năm nhà hoạt động Công giáo – Võ Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Thanh, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức và Chu Mạnh Sơn – bị phạt tù tổng cộng 17 năm 9 tháng vì đã phát tán truyền đơn dân chủ, sau đó giảm xuống 16 năm 3 tháng trong phiên phúc thẩm.
Vào tháng Ba, Tòa án Nhân dân huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh xử các nhà vận động Hồ Thị Huệ và Nguyễn Bích Thủy mỗi người ba năm tù vì tham gia biểu tình phản đối tịch thu đất đai ở tỉnh Tây Ninh. Sau đó, trong phiên xử phúc thẩm vào tháng Tám, mức án của họ được giảm xuống còn mỗi người hai năm.
Trong tháng Tư và tháng Sáu, nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Nguyễn Văn Tư ở Cần Thơ và Nguyễn Văn Tuấn ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị xử lần lượt là hai năm rưỡi và bốn năm tù giam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Cả hai người đều bị cáo buộc là đã giúp đỡ người dân địa phương khiếu nại quyết định tịch thu đất đai. Mức án dành cho ông Nguyễn Văn Tuấn sau đó được giảm xuống hai năm trong phiên phúc thẩm vào tháng Tám.
Tự do Tôn giáo
Chính quyền hạn chế tự do tôn giáo bằng các quy định pháp luật, quy định đăng ký hoạt động, đồng thời sách nhiễu và đe dọa các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có các nhà thờ Tin Lành tại gia, các tín đồ và các chi phái Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài độc lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Pháp luân công.
Các nhóm tôn giáo phải đăng ký với chính phủ và hoạt động dưới sự điều khiển của các ban quản lý tôn giáo do chính phủ kiểm soát. Nhìn chung, chính quyền để cho các nhà thờ, nhà chùa nằm trong hệ thống do chính phủ quản lý được cử hành các giáo lễ. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương thường xuyên sách nhiễu và đe dọa các cộng đồng tín ngưỡng, nhất là những nhóm không có đăng ký, khi họ đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm chính trị như quyền lợi đất đai hay tự do ngôn luận, khi họ được sự ủng hộ của những nhóm bị chính quyền coi là có nguy cơ chống đối, ví dụ như các dân tộc thiểu số có bề dày lịch sử bất phục tùng chính sách cai trị và đồng hóa của chính quyền trung ương; hay đơn giản hơn, khi họ chỉ từ chối gia nhập các tổ chức tôn giáo được nhà nước chuẩn thuận.
Trong tháng Hai và tháng Ba, công an tỉnh Phú Yên bắt giữ ít nhất 18 thành viên của một chi phái tín ngưỡng có gốc Phật giáo, tự đặt tên là Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn. Họ bị khởi tố theo điều 79 về “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Tại thời điểm bản phúc trình này được viết, cả 18 thành viên nói trên vẫn đang bị tạm giam tại công an tỉnh Phú Yên, chờ xét xử.
Vào tháng Ba, ở tỉnh Gia Lai, Mục sư Nguyễn Công Chính bị xử 11 năm tù giam về tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo điều 87 bộ luật hình sự. Cũng trong tháng đó, tám tín đồ Tin Lành người thiểu số Hmong ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên mỗi người phải nhận án từ hai năm đến hai năm rưỡi tù giam về tội “phá rối an ninh” khi họ tham gia cuộc biểu tình đông người ở Mường Nhé vào tháng Năm năm 2011.
Vào tháng Tư và tháng Sáu, ba nhà hoạt động tôn giáo Tin Lành khác là Kpuil Mel, Kpuil Lễ và Nay Y Nga bị xử tổng cộng 22 năm tù giam về tội vi phạm điều 87. Cả ba người bị cáo buộc tham gia Tin Lành Đề Ga, là tổ chức tôn giáo bị nhà nước cấm. Vào tháng Năm, ba nhà hoạt động người Thượng, Runh, Jonh và Byuk bị bắt ở Gia Lai vì liên quan đến dòng Công giáo Hà Mòn không có đăng ký, và bị khởi tố về tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo điều 87.
Công an ở An Giang ngăn cản các thành viên của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy nhóm họp để cử hành các sự kiện quan trọng, trong đó có ngày tưởng niệm giáo chủ sáng lập Huỳnh Phú Sổ bị mất tích. Nhà hoạt động tôn giáo Bùi Văn Thâm bị xử 30 tháng tù về tội “chống người thi hành công vụ.”
Vào tháng Sáu và tháng Bảy, chính quyền địa phương tìm cách cản trở các linh mục Công giáo làm thánh lễ tại tư gia các tín đồ Công giáo ở hai huyện Con Cuông và Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ở cả hai nơi này, giới Công giáo địa phương đã nhiều lần nộp đơn lên chính quyền xin thành lập và đăng ký giáo xứ mới mà không được xem xét.
Hệ thống Tư pháp Hình sự
Trong năm 2012, tin tức về nạn bạo hành của công an, bao gồm cả việc tra tấn trong khi giam giữ và tử vong vì đánh đập, tiếp tục xuất hiện ở khắp các vùng miền. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, theo báo chí nhà nước, đã có ít nhất 15 người chết trong khi bị công an giam giữ.
Hệ thống tòa án Việt Nam thiếu tính độc lập vì bị chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam khống chế chặt chẽ, các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến về tôn giáo và chính trị không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng. Công an đe dọa, và nhiều khi câu lưu thân nhân và bè bạn các bị cáo nếu họ cố tìm cách có mặt tại tòa hoặc công khai bày tỏ quan điểm bất đồng trong phiên xử.
Pháp luật Việt Nam tiếp tục trao quyền “quản chế hành chính” tùy tiện không cần qua xét xử. Theo Pháp lệnh số 44 (năm 2002) và Nghị định số 76 (2003), những người bị coi là có khả năng gây tổn hại tới nền an ninh quốc gia hay trật tự công cộng có thể bị quản chế tại gia, cưỡng ép đi chữa bệnh tại các cơ sở chữa bệnh tâm thần, hoặc đưa vào các trung tâm “giáo dục.”
Trong tháng Sáu, Quốc Hội thông qua Luật Xử lý Vi phạm Hành chính, có hiệu lực chấm dứt việc đưa những người lao động tình dục vào quản chế hành chính trong các cơ sở được gọi là “trung tâm 05,” nơi họ thường bị lạm dụng. Các quan sát viên về nhân quyền hoan nghênh cải cách hành chính cụ thể và tích cực hiếm có này.
Tuy nhiên, chính sách quản lý người nghiện ma túy vẫn không thay đổi. Biện pháp cai nghiện ma túy chủ chốt của Việt Nam là quản chế trong các trung tâm do chính phủ quản lý, nơi những người nghiện ma túy bị bắt buộc lao động gọi là để “trị liệu.” Khoảng 123 trung tâm rải rác khắp đất nước đang quản chế gần 40,000 người, trong đó có những trẻ vị thành niên chỉ mới 12 tuổi. Việc quản chế những người này không phải qua một trình tự pháp lý thích hợp hay chịu sự giám sát pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào, và thường kéo dài đến bốn năm.
Nếu vi phạm các nội quy của trung tâm – bao gồm cả yêu cầu lao động – học viên bị đánh bằng dùi cui, chích điện bằng dùi cui điện, và bị giam trong các phòng kỷ luật với khẩu phần ăn uống bị cắt giảm. Các cựu học viên cai nghiện cho biết họ từng bị ép buộc làm việc trong dây chuyền chế biến hạt điều và các việc nông nghiệp khác, trong đó có trồng khoai tây và cà-phê, các việc về xây dựng, may mặc và các hình thức sản xuất gia công khác.
Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt
Mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Với Trung Quốc, chính quyền Hà Nội cam kết tình hữu nghị, nhưng về mặt đối nội, họ phải ứng phó với những lời chỉ trích rằng chính phủ đã không có được phản ứng thích đáng trước những biểu hiện hung hăng của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang trong vòng tranh chấp. Trên phạm vi quốc tế, chính phủ Việt Nam đã gia tăng hợp tác với Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và các các nước láng giềng trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tạo đối trọng với ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong tháng Sáu, Liên minh Châu Âu và Việt Nam đã tiến hành đàm phán về một hiệp định thương mại tự do toàn diện. Hai vòng đối thoại về nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam đã diễn ra trong tháng Giêng và tháng Mười.
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho thấy sự gia tăng trong quan hệ quân sự giữa hai nước. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng Bảy, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã công khai bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ biểu lộ cho thấy rằng thất bại trong việc cải thiện nhân quyền sẽ hạn chế mức độ gần gũi trong quan hệ giữa hai chính phủ.
Năm 2013, thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam là Lê Lương Minh sẽ bắt đầu nhiệm kỳ năm năm trong vai trò tổng thư ký ASEAN, gia tăng đáng kể ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực này.
Human Rights Watch